Tu bổ khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc: Cái lợi từ xã hội hóa

26/06/2017 07:16

Làm tốt công tác xã hội hóa đã góp phần giúp khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc ngày càng khang trang, sạch đẹp.



219 bức tượng đặt trên Tòa Cửu phẩm liên hoa đều do du khách công đức


Di tích khang trang

Cờ lễ hội treo dọc đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc không chỉ có tác dụng chào đón du khách mà còn chỉ dẫn các điểm đến của khu. Ngoài nét cổ kính, chùa Côn Sơn như khoác thêm chiếc áo mới vì nhiều hạng mục được xây trên nền tảng kế thừa tích cũ. Nổi bật nhất là Tòa Cửu phẩm liên hoa mới khánh thành hồi tháng 2 vừa qua. Tòa cửu phẩm có từ thời Trần, được tôn tạo vào thời Lê nhưng theo thời gian đã bị hư hại. Đến nay, tòa cửu phẩm này đã trở thành công trình văn hóa, tâm linh có ý nghĩa quan trọng trong không gian cảnh quan chùa Côn Sơn. Những linh vật thần thoại xung quanh tòa cửu phẩm được điêu khắc tinh tế, vừa mang nét cổ xưa, vừa linh thiêng, huyền bí.

Ngoài ra, một số công trình xuống cấp cũng đã được tu bổ, tôn tạo lại như nhà tổ, hậu đường, hữu, tiền hành lang và một số hạng mục khác. Ông Nguyễn Văn Thanh ở Đông Triều (Quảng Ninh) đang vãn cảnh khu di tích cho biết: "10 năm trước, Côn Sơn - Kiếp Bạc chưa được tu bổ nhiều, đường vào một số di tích còn đơn sơ, nay đường vào đã đẹp, đi lại thuận tiện hơn. Điều quan trọng là dù tu sửa, xây mới nhưng các công trình đều không đánh mất giá trị lịch sử".

Đường vào Kiếp Bạc cũng không còn khó khăn như trước nữa mà được mở rộng thông thoáng, bảo đảm cho lượng xe lớn đưa khách về thăm đền. Sân đá, tường bao nội tự, khu tạo soạn đền Kiếp Bạc đều được tu bổ với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đi đến đâu du khách đều thấy biển chỉ dẫn đến đó. Khuôn viên di tích ngày càng được tôn tạo khang trang hơn, thu hút đông đảo khách thập phương về chiêm bái. Ngoài phục vụ du khách đến tham quan, khu di tích còn được nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ đến tìm hiểu.

Thu hút nguồn công đức

Để khu di tích ngày càng khang trang, ngoài nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước còn có sự đóng góp, công đức của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Người góp công, người góp của với mong muốn tô thêm vẻ đẹp cho khu di tích.

Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn vừa qua được xây dựng trị giá gần 76 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng, còn lại từ nguồn công đức của các tổ chức, cá nhân. 219 pho tượng trên tòa cửu phẩm cũng đều do nhân dân công đức. Có người công đức một đôi rồng đá đặt ở sân đền Kiếp Bạc, người công đức cả một bức Bình Ngô đại cáo bằng chữ Hán… Công ty CP Việt Tiên Sơn địa ốc nhận cung cấp phân lân hằng năm để chăm bón cây xanh xung quanh khu di tích. Chi nhánh Viettel Hải Dương năm nào cũng hỗ trợ cờ, phướn lễ hội, biển báo, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên đường vào khu di tích. Nhiều cá nhân cung tiến hoa, quả, lễ vật để thắp hương… Ngoài ra, mỗi mùa lễ hội, người dân trên địa bàn thị xã Chí Linh đều đến giúp đỡ Ban Quản lý di tích chuẩn bị lễ, tham gia vào đám rước làm cho lễ hội thêm phần sôi động, hoành tráng. Lễ hội còn thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên tình nguyện làm các công việc như chỉ dẫn lối ra vào đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, dọn vệ sinh môi trường, hướng dẫn du khách tham quan các di tích…

Anh Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết đơn vị đã tập trung “khơi thông” nguồn lực xã hội hóa. Cấp trên hỗ trợ tu bổ, tôn tạo những hạng mục lớn còn những hạng mục nhỏ phải nhờ vào nguồn công đức của du khách đến tham quan. Ngoài các kênh tuyên truyền như báo, đài, đơn vị còn huy động nhân viên trong Ban quản lý tiếp cận các đoàn khách để giới thiệu về khu di tích, vận động họ quyên góp tu bổ, bảo vệ di tích. Mỗi năm khu di tích thu hút hàng chục vạn người đến tham quan, thu hút nguồn công đức lên tới hàng chục tỷ đồng. Đó chính là nguồn kinh phí chính dùng để tu bổ thường xuyên cho khu di tích.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tu bổ khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc: Cái lợi từ xã hội hóa