Nhận lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc và phu nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7.
Nhận lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo và Phu nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến ngày 3/7.
Viêt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022. Hai bên thúc đẩy quan hệ trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội…; giao lưu cấp cao được duy trì bằng nhiều hình thức linh hoạt. Hàn Quốc xem Việt Nam là đối tác trọng tâm trong triển khai chính sách khu vực, trong đó có Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết ASEAN - Hàn Quốc.
Các Thủ tướng Hàn Quốc từng 3 lần thăm Việt Nam. Trong khi đó các Thủ tướng Chính phủ ta từng thăm Hàn Quốc 7 lần. Việt Nam - Hàn Quốc có cơ chế hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Về hợp tác kinh tế: Hai nước đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác số 1 về đầu tư trực tiếp; số 2 về hợp tác phát triển (ODA), du lịch; số 3 về lao động, thương mại của ta.
Về thương mại: Trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 76,1 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,5 tỷ USD, giảm 3,4%. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 52,6 tỷ USD, giảm 15,5%. Nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc có giá trị 29,2 tỷ USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 10,2%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 17,1 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 8,7 tỷ USD, tăng 2,3%.
Về đầu tư trực tiếp: Tính lũy kế đến tháng 4/2024, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký hơn 87 tỷ USD tổng vốn đăng ký, 9.957 dự án đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 87 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng số dự án và 18,25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.
Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc có 118 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới 856 triệu USD, đứng thứ 3 trong tổng số 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án cấp mới và tăng vốn (sau Trung Quốc và Singapore).
Về hợp tác phát triển (ODA): Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Gân đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 500 triệu USD trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại.
Hợp tác phát triển Việt Nam - Hàn Quốc được ưu tiên cho những lĩnh vực: hạ tầng giao thông đô thị; y tế; giáo dục-đào tạo; môi trường; năng lượng sạch, công nghệ thông tin...
Về vốn vay ODA, chính phủ Hàn Quốc cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) thuộc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM). Tháng 6/2023, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác Quỹ Xúc tiến kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 2 tỷ USD để triển khai các dự án đầu tư phát triển có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị của Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc là hơn 250 nghìn người. Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 150 nghìn người tại Việt Nam. Trong năm 2023, lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt người, đứng thứ nhất trong số khách quốc tế đến Việt Nam; lượng khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc đạt hơn 500 nghìn lượt người. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc vẫn là thị trường khách lớn nhất đến Việt Nam, với 1,6 triệu lượt, chiếm 25,8% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam.
Hiện có 76 tỉnh, thành, địa phương của Việt nam đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác với các địa phương, tổ chức của Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 55 địa phương, tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh.
T.H (theo VTC News)