Truyền thuyết rắn thần đền Tranh

03/02/2013 07:56

Trong ngôi đền Tranh, đây đó trên xà, dưới mái có những con rắn bằng vải nhồi bông màu rất to.



Đền Tranh ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) gắn liền
với các truyền thuyết về rắn thần. Ảnh: Thành Chung


Truyền thuyết về các "rắn thần" gắn liền với ngôi đền linh thiêng này tự bao đời nay.

Truyện kể rằng, vào thời Hùng Vương thứ 18, có đôi vợ chồng hiền lành, đức độ, lương thiện nhưng tuổi đã cao mà chưa có con. Một hôm, người chồng làm vườn bắt được 2 quả trứng nhỏ ở bụi cây trong vườn. Nghĩ là trứng chim, ông mang về cất giữ cẩn thận chờ ngày chim nở, nuôi cho biết bay sẽ thả về với thiên nhiên. Ngờ đâu khi trứng nở lại ra hai con rắn. Người vợ sợ hãi, định đem giết đi. Người chồng can ngăn, tin là điềm trời cho tuổi già chút niềm vui để khuây khỏa. Quả nhiên, càng lớn 2 con rắn càng yêu quý hai ông bà, ngày ngày quấn quýt bên người như những đứa con. Một hôm, khi ông đang cuốc vườn, hai con rắn cứ xông vào đùa nghịch. Chẳng may ông cuốc đứt đuôi một con. Sau đó, vợ chồng mới gọi hai con rắn đặt tên cho là con Dài, con Cộc. Càng lớn, hai con rắn ăn càng khỏe. Nhà nghèo, tuổi lại cao, hai ông bà không đủ sức để nuôi nên đem hai con rắn thả ở ngã ba sông gần đấy. Từ khi được thả xuống sông, hai con giao long thường gây sóng to, gió lớn khiến thuyền bè không thể qua lại, tai nạn thường xuyên xảy ra.

Một hôm, có nàng công chúa đi thuyền qua khúc sông này gặp sóng to, gió mạnh không thể đi nổi. Công chúa cho hỏi dân làng, được dân làng trả lời: Sông này trước kia vẫn gió yên, sóng lặng. Nhưng từ ngày đôi rắn được thả ra đây mới có hiện tượng này. Công chúa lập tức cho gọi ông bà đến để hạch tội. Lúc này, ông lão đã mất, bà lão sợ quá liền chạy ra bờ sông khấn rằng: nay có thuyền đi qua mà con gây sóng gió ngăn cản thì mẹ sẽ bị tội. Con có thương mẹ thì cho sóng yên gió lặng để thuyền đi qua mà cứu mẹ. Bà lão vừa dứt lời, lập tức sóng yên gió lặng, thuyền đi qua an toàn. Nhưng khi đoàn thuyền đi khỏi, lập tức sóng to, gió mạnh lại nổi lên dữ dội. Thấy sự linh ứng, dân làng vô cùng khiếp sợ bèn lập miếu thờ gọi là miếu ông Cộc, tức Bạch Long Quân và miếu ông Dài, tức Hắc Long Quân.

Về câu chuyện thờ hai ông rắn thần của thủy cung có nhiều dị bản khác nhau. Mỗi dị bản mang một nội dung, nhưng vẫn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gửi gắm vào đó ước nguyện của người dân về một cuộc sống yên bình, no ấm. Có câu chuyện khác kể rằng, khi được thả xuống ngã ba sông, hai con giao long thường gây khó khăn cho thuyền bè qua lại. Khi nhà vua đem quân đánh giặc đi qua khúc sông này, hai con giao long đã hiện hình thành 2 tráng sĩ theo vua giết giặc, lập nhiều công lớn. Sau khi giặc tan, cả hai vị đều hóa. Triều đình nhớ ơn sắc phong làm thành hoàng làng. Nhân dân lập miếu thờ gần ngã ba sông nơi hai ngài hóa thân giúp vua trừ giặc gọi là Bạch Long Quân Đại Vương và Hắc Long Quân Đại Vương.

Lại có câu chuyện kể rằng, Quan Lớn Tuần Tranh chính là con trai thứ 5 của vua Bát Hải Động Đình. Quan phủ Trịnh Thương Quân được bổ về Vĩnh Lại có một người vợ rất đẹp. Quan phủ rất yêu quý bà vợ này. Một hôm bà đi thuyền chơi trên sông Tranh, bỗng thấy một người ngoi từ dưới nước lên đòi lấy bà làm vợ. Hiển nhiên là bà không nghe. Đến đêm, khi đang ngủ, bà thấy người đó hiện vào phòng, lại đòi nhất định phải lấy bà làm vợ. Hôm sau, bà đem chuyện này kể lại với chồng. Quan phủ thấy làm lạ và từ đó có ý đề phòng. Một lần, quan phủ có việc phải đi ra ngoài khi về nhà không thấy vợ đâu nữa. Quan phủ sửng sốt và buồn rầu vô hạn không còn tâm trí để làm việc. Sau khi xin từ chức, ngài thường ra bến sông Tranh thơ thẩn tìm vợ. Một đêm, ngài mơ thấy Quỷ Cốc ở miền Hải Quốc mách rằng vợ mình đã bị hoàng tử thứ 5 của vua Thủy Tề bắt xuống làm vợ. Thương người chồng chung tình, Quỷ Cốc tìm cách cho ngài xuống thủy cung của vua Thủy Tề kêu cứu. Vua Thủy Tề cho rằng con trai mình làm điều bất chính liền đày hoàng tử thứ 5 ra bến sông Tranh và cho vợ chồng viên quan phủ đoàn tụ. Từ đó, khúc sông này xuất hiện nhiều điều kỳ lạ. Sóng to, gió lớn thường xuyên nổi lên gây khó khăn cho thuyền bè đi lại. Dân làng phải lập đền thờ gần bến đò Tranh nơi ngã ba sông. Ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, thuyền bè qua lại đều phải dừng lại làm lễ cầu đảo mới được sóng yên, gió lặng.

Cũng liên quan đến con trai thứ 5 của Bát Hải Động Đình, lại có một câu chuyện khác kể rằng: ông là vị tướng quân tài ba, kiêm lĩnh thủy bộ được giao trấn giữ miền duyên hải. Ông lập nhiều công lớn, nên được sắc phong công hầu. Vì có cảm tình với một người con gái xinh đẹp là vợ lẽ của một viên quan, ông bị đày lên tận vùng đất Kỳ Cùng (Lạng Sơn). Tại đây, để tỏ sự trong sạch, ông nhảy xuống dòng Kỳ Cùng mong rửa oan. Hồn ông trở lại quê nhà hóa thành đôi giao long. Một đôi vợ chồng già bắt được đem về nhà nuôi dưỡng coi như con cái trong nhà. Đến khi viên quan phủ biết chuyện ông bà nuôi đôi giao long, liền bắt ông bà lên cửa quan chịu tội và đòi giết chết đôi giao long. Hai ông bà thương xót liền thả hai con giao long xuống dòng sông. Ngay lập tức, chỗ đó liền biến thành dòng xoáy dữ dội, thuyền bè không tài nào qua được. Đến thời An Dương Vương Thục Phán, nhà vua tập hợp thuyền bè để chống quân Nam Việt ngay tại bến sông Tranh. Nhưng thuyền vua không thể nào qua được khúc sông này. Vua mời các vị bô lão trong làng đến cầu đảo thì lập tức sóng yên, gió lặng. Khi ra trận, quân nhà vua thắng nhiều trận lớn khiến quân giặc khiếp sợ. Ghi nhớ công lao, An Dương Vương giải oan cho ông và phong ông là Giảo Long Hầu. Nhân dân ghi nhớ công ơn lập miếu thờ ngay bên bến sông nơi ông hiển linh giúp vua đánh giặc.

Trải qua bao năm tháng, dân gian cho rằng thủy thần có công giúp đỡ những người làm ăn trên sông nước, bảo đảm bình an, may mắn cho thuyền bè qua lại, nên được nhân dân thờ phụng, nhiều đời vua sắc phong tôn là Quan Đệ Ngũ Tranh Giang Đại Vương Hoàng Hợp Tôn Thần và nhiều danh vị khác.
Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, ngã ba sông Tranh là nơi giao nhau giữa sông Luộc và sông Hóa. Nơi đây gần biển nên chịu ảnh hưởng rất mạnh của nước thủy triều. Mực nước thấp nhất và cao nhất chênh nhau tới vài mét. Thời xa xưa, do hệ thống đê điều chưa hoàn thiện, dòng chảy chưa được cải tạo gây nên rất nhiều thiệt hại cho thuyền bè qua lại trên sông. Người dân tin rằng một thế lực siêu nhiên có sức mạnh to lớn đã gây nên hiện tượng này. Khi bất lực trước tự nhiên, con người phải cầu xin sự che chở, bao bọc, giúp đỡ của thế lực siêu nhiên huyền bí. Nhiều câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại đã được xây dựng. Trải qua thời gian, những câu chuyện này đã ngấm sâu vào tâm thức người dân và trở thành một phần không thể thiếu, tạo nên sự hấp dẫn, kỳ bí cho ngôi đền.

Đền Tranh có tiếng linh ứng, khách đến tế lễ ngày càng đông, công trình thờ tự ngày càng khang trang, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân.

VỊ THỦY

Lễ hội đền Tranh có từ năm Tự Đức thứ 5 (1852). Hằng năm, tại đền có 2 kỳ lễ hội chính và ngày tiệc quan. Lễ hội tháng 2 diễn ra từ ngày 10 đến 25-2 âm lịch, trọng hội là ngày 14-2 kỷ niệm ngày sinh quan lớn Tuần Tranh. Lễ hội tháng 8 bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo, được tổ chức từ ngày 20 đến 25-8 âm lịch. Ngày 22 là trọng hội, chỉ diễn ra việc tế lễ, ít khi tổ chức hội. Ngày tiệc quan diễn ra trong ngày 25-5 âm lịch, đây là ngày kỷ niệm quan lớn Tuần Tranh bị đi đày ở Kỳ Cùng (Lạng Sơn).  Lễ hội đền Tranh có sức hấp dẫn lạ thường, thu hút người dân nhiều tỉnh phía Bắc. Không chỉ trong những ngày hội mà những ngày thường cũng không ít khách đến lễ và không thể thiếu tiết mục hát chầu văn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền thuyết rắn thần đền Tranh