Truyền thuyết ly kỳ

30/09/2012 13:51

Quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc với những Giếng Mắt Rồng, Am Bạch Vân và Bàn Cờ Tiên... được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ.

Giếng Mắt Rồng

Tương truyền, lúc sinh thời, Hưng Đạo Vương có nuôi một con chó rất tinh khôn. Khi con chó bỏ nhà đem con từ thung lũng trong (nơi ở cũ của Trần Hưng Đạo) ra thung lũng ngoài, Người linh cảm có điều gì khác lạ, nên truyền cho gia tướng thuỷ chiến Yết Kiêu cùng mình đến chỗ con chó ở để xem xét.

Ra thăm thung lũng ngoài, Hưng Đạo Đại Vương thấy chỗ chó mẹ và đàn con nằm ở giữa một thung lũng rộng lớn, um tùm lau sậy, lại có một khu đất rộng bằng phẳng, địa hình rất thuận lợi cho việc xây dựng quân doanh, huấn luyện quân sĩ.

Còn Yết Kiêu thì thấy cách chỗ đàn chó nằm không xa lấp lánh một vết sáng. Đến nơi ông phát hiện ra một vũng nước tròn sâu, trong vắt, múc lên uống, thấy ngọt mát. Ông mời Hưng Đạo Đại Vương tới và múc nước mời Người uống thử. Hưng Đạo Đại Vương uống xong thấy khoan khoái lạ thường. Ông biết đây là nguồn nước được chảy ra từ các mạch ngầm của dãy núi Rồng.

Về tư dinh, Trần Hưng Đạo quyết định chuyển chỗ ở từ thung lũng trong ra thung lũng ngoài và giao cho gia tướng Yết Kiêu khơi sâu, mở rộng vũng nước, dùng gạch, đá kè thành giếng giữ nguồn nước quý phục vụ cho binh sĩ.

Từ khi Yết Kiêu tìm ra được giếng nước, quân sĩ kéo về thăm rất đông và ai cũng xin được uống nước giếng, để được tăng thêm tài trí và sức mạnh.

Giếng nước nằm ở giữa thung lũng, do mạch ngầm của núi Rồng chảy ra nên được gọi là giếng Mắt Rồng. Giếng Mắt Rồng đã bị vùi lấp qua nhiều thập kỷ. Những năm gần đây, căn cứ vào lời kể của các cụ ở thôn Dược Sơn, Ban Quản lý di tích đã cho khơi lại giếng Mắt Rồng nằm ở giữa sân trước đền Kiếp Bạc. Giếng quanh năm đầy nước, trong vắt, ngọt ngào, là nguồn nước sạch chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho khu vực di tích và khách xa đến dâng lễ tại đền.

Đôi xương chân voi của Trần Hưng Đạo

Nhiều người khi về đền Kiếp Bạc đã tới xoa vào đôi xương chân voi được đặt ở ban thờ công đồng, mong được bình an mạnh khoẻ. Theo truyền thuyết, đôi xương của con voi chiến được Dã Tượng huấn luyện, đã cùng Trần Hưng Đạo xông pha chiến trận, lập nhiều chiến công lớn và rất có nghĩa với chủ. Khi bị sa lầy ở sông Hoá, Trần Hưng Đạo tìm mọi cách cho voi lên nhưng không được. Vì việc quân gấp, Hưng Đạo Đại Vương phải để voi lại và dùng ngựa đi tiếp. Người rút gươm chỉ xuông dòng sông: "Trận này không thắng ta quyết không về qua sông này nữa". Nói rồi ra đi. Con voi nhìn theo chủ ứa nước mắt. Người đời sau đã tìm thấy đôi xương chân voi liền dâng về đền Kiếp Bạc. Xương voi to, cao, nhiều người xoa xin lộc nên đến nay hai đầu xương nhẵn bóng.

Sự tích chùa Hun

Núi Côn Sơn còn có tên gọi là núi Hun. Chùa Côn Sơn được gọi theo tên núi: chùa Côn Sơn hoặc chùa Hun. Côn Sơn có nghĩa là núi Côn, còn tên Hun,  theo truyền thuyết: ngày xưa, khu vực núi Côn cây rừng rậm rạp, dân ở nhiều nơi tới lên núi chặt củi, hun lấy than, cả khu rừng thường xuyên có khói bốc như hun nên núi Côn còn có tên là núi Hun.

Tên Hun còn có truyền thuyết khác, được nhiều người kể lại: Thế kỷ thứ X - Đinh Bộ Lĩnh người Hoa Lư (Ninh Bình) đã đứng lên dấy cờ dẹp loạn 12 sứ quân. Vùng Đông Bắc có sứ quân do Phạm Phòng Át đứng đầu bị nghĩa quân truy đuổi phải chạy trốn về rừng Côn Sơn ẩn náu. Một vị tướng của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Bặc đã hiến kế: "Cho quân mai phục, ngoài dùng lửa phóng hỏa hun giặc". Kế sách được thực hiện. Do bị lửa khói hun lâu ngày, không thể tiếp tục ẩn náu, đám quân Phạm Phòng Át phải ra ngoài, bị nghĩa quân của Đinh Bộ Lĩnh bắt sống. Từ kế sách phóng hoả hun giặc nên từ đó Côn Sơn được gọi là núi Hun, chùa Côn Sơn có tên gọi là chùa Hun.

Am Bạch Vân và Bàn Cờ Tiên

Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn, nơi đây xưa có một am nhỏ hình chữ công, tám mái chảy, có lan can xung quanh, có tên gọi là Am Bạch Vân. Câu chuyện người xưa kể còn lưu truyền rằng: Vào một chiều thu, có một số danh nhân vùng Kinh Bắc về thăm Côn Sơn, sau khi thắp hương, làm lễ, vãn cảnh, các cụ nghỉ tại chùa để ngày mai lên núi uống rượu, đánh cờ. Sáng sớm hôm sau, núi rừng Côn Sơn mây trắng bao phủ, các danh nhân lần theo lối mòn trong mây mù lên núi, tới gần đỉnh núi, nghe có tiếng cười nói, các cụ cho rằng đêm qua có người nghỉ tại am. Khi đến nơi mọi người đều ngạc nhiên thấy trong am không một bóng người, chỉ thấy bàn cờ đang đánh dở. Suy nghĩ hồi lâu các cụ cho rằng trên đỉnh Côn Sơn đêm qua trời đất nối liền bằng mây mù, sương phủ, các tiên ông trên trời đã cưỡi mây xuống đánh cờ, thấy có người đến, các tiên ông bay về trời. Am Bạch Vân và Bàn Cờ Tiên có tên từ ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền thuyết ly kỳ