Tiến sĩ Trương Thanh Tùng hiện là Trưởng nhóm nhóm nghiên cứu thiết kế và tổng hợp thuốc mới, Khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa. Anh vừa được vinh danh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Cùng với các cộng sự, Tiến sĩ (TS) Tùng là đồng tác giả bằng sáng chế quốc tế về các chất điều trị ung thư trúng đích, đã được bảo hộ toàn cầu. Kết quả của nghiên cứu đang được phát triển thành các thuốc “Make in Vietnam”.
Bên cạnh đó, TS Tùng đã có 40 công trình khoa học được công bố trên tạp chí uy tín, trong đó 32 bài báo đã đăng trên các tạp chí khoa học ISI uy tín quốc tế, 4 công bố trên hội nghị quốc tế và 04 công trình trong nước. Được biết, trong 32 bài báo có 19 bài thuộc danh mục Q1 (14 bài là tác giả chính), 02 bài báo thuộc danh mục Q2 (01 bài là tác giả chính), tác giả chính 02 bài báo thuộc danh mục Q3 và tác giả chính 01 bài thuộc danh mục Q4.
Từng là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng, giành giải thưởng Quả cầu Vàng Khoa học công nghệ năm 2021, Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô Hà Nội 2022, TS Trương Thanh Tùng còn được Hội đồng quốc tế bầu là thành viên chính thức của Hiệp hội khoa học nghiên cứu quốc tế danh giá Sigma Xi 2022 (Hiệp hội khoa học uy tín và lâu đời nhất trên thế giới trụ sở tại Mỹ, hoạt động từ năm 1886 với 200 thành viên đã được giải Nobel, thành viên hiệp hội được bầu trực tiếp bởi hội đồng hiệp hội). Tiến sĩ Trương Thanh Tùng là nhà khoa học trẻ (ngoài Mỹ) đầu tiên tại Việt Nam được bầu trực tiếp năm 2022. Cùng năm, từ 2000 hồ sơ toàn cầu vòng 1, 130 hồ sơ vòng 2, TS Trương Thanh Tùng được bầu chọn là 01 trong 28 nhà khoa học trẻ tiêu biểu thế giới trở thành thành viên ban cố vấn quốc tế cho tạp chí khoa học quốc tế ISI uy tín Bioorganic & Medicinal Chemistry.
Những khó khăn và kỉ niệm không thể quên trong quá trình nghiên cứu khoa học
Trong quá trình làm khoa học, khó khăn nào là lớn nhất mà Tùng đã từng trải qua?
Thanh Tùng: “Khó khăn nhất của tôi là giai đoạn 4 tháng đầu học thạc sĩ Hóa dược tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, khoảng năm 2012. Khi đó tôi 23 tuổi. Môi trường nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc khá khắc nghiệt. Thuở đó, có những hôm, tôi phải làm việc tại phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến 1-2 sáng ngày hôm sau. Việc làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần là việc hoàn toàn bình thường.
Do chưa quen với nhịp độ công việc nên nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc. Có thể do lúc đó tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học nên việc bắt kịp nhịp độ tại môi trường mới thực sự là một thử thách lớn. Tuy nhiên, sau này tôi nghiệm lại, đó lại chính là những nền tảng giúp tôi thêm bản lĩnh, rắn rỏi để thích nghi với các môi trường thậm chí khắc nghiệt hơn ở những quốc gia khác.
Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong hành trình nghiên cứu khoa học của anh?
Thanh Tùng: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là bài báo ISI đầu tiên mà tôi là tác giả chính, được công bố khi còn là sinh viên đại học năm thứ tư. Đề tài của bài báo về các chất mới có tiềm năng điều trị ung thư. Với tôi, việc một sinh viên có bài báo khoa học trên tạp chí ISI chính là niềm hạnh phúc lớn, là động lực để tôi quyết định theo đuổi nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp. Bởi thời điểm đó, thường các bạn đồng lứa sau khi ra trường sẽ lựa chọn kinh doanh dược – một công việc có thu nhập cao hơn rất nhiều so với theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Ngày trước, Tùng học môn hóa học hay sinh học có giỏi không? Cơ duyên nào đưa Tùng đến với con đường nghiên cứu khoa học này?
Thanh Tùng: “Tôi có niềm yêu thích môn hóa học từ cấp THCS. Đó cũng là lý do tôi quyết tâm thi và chọn vào học lớp chuyên hóa Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, tôi cũng rất quan tâm tới những khả năng mà các chất hóa học có thể tác động lên cơ chế, môi trường sinh học. Do đó, môn sinh cũng là một môn mà tôi yêu thích. Chính nhờ những điều này, cũng giúp tôi có thêm động lực, quyết tâm học tập và đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia môn hóa.
Tốt nghiệp THPT, cũng vì yêu thích môn hóa học và sinh học, tôi muốn lựa chọn các ngành có thể ứng dụng kiến thức của 2 môn học này. Lúc đó tôi đứng trước 2 lựa chọn, ngành Y hoặc Dược. Nhưng với suy nghĩ đơn giản, học Y có thể cứu được một vài người theo từng ca bệnh, còn học Dược nếu thành công, có thể cứu được nhiều, thậm chí rất nhiều người cùng lúc. Chính vì vậy, tôi chọn theo học ngành Dược học của Trường ĐH Dược Hà Nội. Tại đây, tôi có cơ hội được tham gia nghiên cứu khoa học từ rất sớm- con đường nghiên cứu của tôi cũng bắt đầu từ đây.
Hướng nghiên cứu đầy triển vọng trong điều trị HIV
Được biết anh có nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới và được thế giới đánh giá rất cao với tiềm năng thuốc điều trị trong tương lai. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về hướng nghiên cứu và tính mới trong phát minh của anh được không?
Thanh Tùng: Hướng nghiên cứu của tôi là làm thế nào loại bỏ toàn bộ tế bào nhiễm HIV và virut ra khỏi cơ thể. Có thể nói, các loại thuốc hiện có trên thị trường chỉ kiểm soát, loại bỏ bớt nồng độ virut trong máu, chứ chưa thể loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. Tức các bệnh nhân HIV hiện nay khi sử dụng thuốc đều đặn cũng mới chỉ đạt được ngưỡng “sống, tránh lây nhiễm và cầm cự cùng HIV
Hướng nghiên cứu của tôi hướng tới mục đích điều trị hoàn toàn bệnh HIV trong tương lai. Nghiên cứu của tôi được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu bệnh AIDS (amfAR) – quỹ nghiên cứu HIV uy tín nhất thế giới. Nổi bật nhất trong kết quả nghiên cứu của tôi là các dược chất có thể thức tỉnh virut HIV ở trạng thái “ngủ” trong tế bào, đánh dấu rồi tiêu diệt chúng.
Khó nhất đối việc điều trị HIV hiện nay là loại bỏ hoàn toàn virut ở thể ngủ ra khỏi cơ thể – việc mà nghiên cứu của tôi có thể giải quyết được. Hiện nay, phương pháp điều trị theo hướng nghiên cứu này đang được thử nghiệm lâm sàng tại Đức và cho kết quả bước đầu khả quan.”
Hiện nay, thuốc điều trị HIV trên thế giới có những bước tiến cao nhất ra sao? Mong anh chia sẻ?
Thanh Tùng: “Hiện nay, trên thế giới đã có những tổ hợp thuốc trong quá trình điều trị bệnh nhân, chẳng hạn như ARV đang được sử dụng tại Việt Nam và có thể kiểm soát được nồng độ virut trong máu. Về tổng quan, các tổ hợp thuốc này chưa thể loại bỏ hoàn toàn virut HIV ra khỏi cơ thể người.”
Những phát minh, sáng kiến của anh về điều trị HIV có thể thực hiện được ở tại Việt Nam không? Anh có thể chia sẻ khó khăn khi trong quá trình nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới?
Thanh Tùng: “Những phát minh, sáng kiến của tôi về các chất hóa dược vẫn có thể được tiến hành tại Việt Nam, song công việc thử nghiệm sinh học thì chưa thể, hiện tôi vẫn phải thực hiện ở châu Âu.
Có thể nói, ở Việt Nam chưa đủ các điều kiện để tiến hành nghiên cứu sâu hơn.
Khó khăn nhất trong quá trình phát triển sâu hơn thuốc điều trị HIV mới là việc thử nghiệm phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị của nước ngoài.
Đến nay, có sản phẩm thuốc “Make in VietNam” nào theo hướng nghiên cứu của anh sắp sửa hoàn thành? Anh có thể chia sẻ về dự định trong tương lai gần?
Thanh Tùng: “Hiện nay, nhóm nghiên cứu của tôi đang phát triển tổng hợp các peptit kháng khuẩn tự nhiên dùng ngoài da để điều trị nhiễm khuẩn, làm liền sẹo. Đây là nhóm sản phẩm về dược mỹ phẩm. Sản phẩm này đang trong quá trình thử nghiệm để trở thành sản phẩm thuốc dùng ngoài da thay thế kháng sinh.
Trong tương lai gần, tôi mong muốn mở rộng nhóm nghiên cứu để trở thành một nhóm nghiên cứu mạnh, tiên phong trong lĩnh vực tổng hợp thuốc tại Việt Nam.”
Theo Giadinh.phenikaa