Trường Giang dòng sông chảy đến tận cùng

27/09/2012 17:04

Tên khai sinh của ông là Đặng Trường Giang. Dòng sông dài ấy đã chảy đến tận cùng. Ông ra đi vào 4 giờ ngày 8-9-2012.


Ông đã biết cái ngày ấy rồi sao (?) mà liên tiếp trong vài ba năm cuối cùng, riêng thơ, ông đã xuất bản liền 3 tập: Thao thức trọn niềm yêu (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2005), Lộc trăm miền (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2006), Dòng sông thao thức (Nhà xuất bản Văn học 2012). Và, ông đã biết trước rồi sao (?) mà khổ thơ cuối của bài thơ cuối trong tập thơ cuối đã kết bằng 4 câu:

Giấy trắng lặng im chờ hạ bút
Trái tim nồng nhiệt vẫn mê say
Đêm trước trở trăn niềm ước vọng
Nắng hửng, hồn thơ chắp cánh bay

Trên bàn của ông giấy vẫn còn trắng, nhưng hồn thơ đã về với biển, con sông dài đã chảy đến tận cùng.
Nhà thơ, nhà báo Trường Giang với 4 giải thưởng văn chương đã để lại cho đời 9 tập thơ in riêng, 15 tập thơ in chung, 6 tập văn xuôi và 9 cuốn sách biên soạn; bằng ấy ấn phẩm của một con người, chắc chắn ông đã trả dư nợ của một hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (từ 1966), hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (từ 1974), nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Giao thông vận tải, Tạp chí Cánh Buồm và là cộng tác viên thân thiết nhiều năm của Báo Hải Dương.

Trường Giang sinh ngày 8-3-1936 ở xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản (Nam Định). Ông là thanh niên xung phong của đội quân chủ lực cầu đường trên mặt trận Điện Biên (1953), rồi trở về học Trường Cao đẳng Giao thông công chính (1959). Sau khi ra trường, ông về công tác ở văn phòng Bộ Giao thông  vận tải cho tới năm 1974 thì hoạt động báo chí chuyên nghiệp cho tới lúc nghỉ hưu.

Thơ ông, văn của ông không xa lạ gì với bạn đọc trong và ngoài ngành giao thông vận tải. Nhắc đến Trường Giang, bạn đọc và bè bạn của ông hình dung ngay một con người luôn hăng hái, sôi nổi và nhiệt tình, một cây viết xông xáo ở nhiều thể loại với bút danh: Giàng La, Hà Nguyệt Anh, Dương Liêu Thu... Trường Giang có biệt tài kể chuyện. Chúng tôi đã có dịp đi công tác với ông lên Điện Biên, về Cà Mau... Ông có khả năng kể chuyện suốt chặng đường dài chỉ trừ lúc ngủ. Ông thuộc lòng lịch sử của từng vùng quê. Vì thế, khi xe chạy qua tỉnh nào, ông kể vanh vách chuyện của vùng ấy, rồi không quên câu kết hóm hỉnh, hài hước: Tớ suýt nữa làm rể vùng này.

Lộc trăm miền, tên tập thơ như một bản tổng kết những địa danh mà ông đã từng công tác với lời tựa:

Từ Hà Giang đến Cà Mau
Nước non tích tụ mỡ màu nuôi thơ


Nước non đã cho ông hưởng lộc để có những vần thơ tặng lại cho đời. Ông đã viết: Rồi hoa sẽ tàn/Chỉ còn thơ ở lại. Ông tin vào quy luật ấy nên vẫn vời vợi: Chắc Đồng Văn, Mèo Vạc ngóng anh lên/Thăm Mã Pì Lèng, ngắm sông Nho Quế.

Trường Giang không có dịp trở lại những địa danh của thời thanh niên xung phong nữa. Cũng bởi cái quy luật sinh tồn: Xuân đúng hẹn anh cũng về đúng dịp/Chẳng biết bờ bên ấy có ai trông?

Gần 40 năm làm thơ, làm báo và viết sách, với bằng ấy tác phẩm để lại cho đời, chắc chắn bạn đọc sẽ còn nhắc đến ông.

Trường Giang - Dòng sông đã chảy đến tận cùng để hòa vào biển cả.

NGUYỄN ĐỨC NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường Giang dòng sông chảy đến tận cùng