<b>Mới đây một luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ thành công tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bị phát hiện sao chép gần như y nguyên luận án tiến sĩ được bảo vệ trước đó của người khác.</b><br>
Hướng dẫn sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin tại khoa toán - thống kê - ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: T.K
Sau vụ việc này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã mua phần mềm chống đạo văn, triển khai đến toàn bộ cán bộ, giảng viên của trường.
Phần mềm phát hiện sao chép
Ông Vũ Trọng Nghĩa - Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết trường triển khai phần mềm Turnitin chống đạo văn từ năm 2014 cho Viện Đào tạo sau ĐH, và áp dụng toàn trường từ năm học 2016-2017.
Các luận án tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, bài báo khoa học, công trình khoa học đều phải đưa vào phần mềm này để quét. Nếu phát hiện mức độ tương đồng cao hơn mức cho phép (30%), sản phẩm đó sẽ được trả lại cho người nộp để làm lại.
Theo ông Nghĩa, khi chưa có phần mềm này, trường bố trí tới 10 cán bộ, giảng viên đọc từng trang, rà soát, đối sánh nội dung nghiên cứu của học viên. Việc này mất rất nhiều thời gian, hiệu quả chưa cao.
Đây cũng là giải pháp được nhiều trường thực hiện như ĐH Hàng hải, ĐH Kinh tế TP.HCM, Lạc Hồng, Hoa Sen, Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ĐH Tôn Đức Thắng...
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa triển khai phần mềm Turnitin vào đầu năm 2017. Theo đó, tất cả các sản phẩm học thuật của trường đều phải trải qua kiểm tra đạo văn. Các hình thức chế tài trường đưa ra khá mạnh.
Đối với khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án, bài báo, bài giảng, đề cương học phần, đề cương nghiên cứu, công trình khoa học, khi bị phát hiện lần thứ nhất (trước khi bảo vệ, báo cáo, trình bày), tác giả phải viết lại.
Nếu tác giả nộp sản phẩm lại nhưng vẫn có mức độ giống trên 20% và có đoạn văn giống từ 100 từ trở lên, người học bị đình chỉ báo cáo, bảo vệ, nghiệm thu trong vòng một tháng để tiếp tục chỉnh lần thứ hai.
Sau hai lần kiểm tra và chỉnh sửa, nếu vẫn còn ít nhất một đoạn văn có 100 từ trở lên sao chép nguyên văn, hoặc có từ 20% văn bản giống với các nguồn dữ liệu của các tác giả khác (hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc và nội dung của dữ liệu), người học bị lập biên bản, không công nhận các sản phẩm học thuật, không được bảo vệ, báo cáo, không đăng bài, chấm dứt hợp đồng.
Đối với các bài kiểm tra, bài tập, tiểu luận và các bài khác thuộc điểm học phần; sau khi đã kiểm tra và chỉnh sửa lần thứ nhất, người học nộp lại bài nhưng vẫn còn mức độ giống trên 20%, và ít nhất giống đoạn văn có 100 từ trở lên, sinh viên sẽ bị trừ 30% điểm học phần.
Giảm đạo văn
Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự xây dựng riêng cho mình phần mềm phát hiện đạo văn. TS Dương Thị Thùy Vân - Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin của trường - cho hay phần mềm được xây dựng trên cơ sở dữ liệu của trường và nguồn dữ liệu bên ngoài, triển khai từ năm 2016.
Tất cả bài luận môn học, luận án tốt nghiệp, bài báo khoa học đều đưa vào phần mềm kiểm tra đạo văn. Nếu mức độ tương đồng từ 20% thì bị xem là đạo văn.
Triển khai phần mềm phát hiện đạo văn hơn hai năm, đại diện Trường ĐH Hàng hải cho biết: "Việc này làm giảm hẳn tình trạng đạo văn, giúp người học tự hoàn thiện sản phẩm của mình".
Tại Trường ĐH Hoa Sen, mỗi sinh viên được cấp một tài khoản trên phần mềm kiểm tra đạo văn. Sinh viên sẽ phải nộp các báo cáo, bài viết của mình qua phần mềm này, để kiểm tra sự tương đồng. Tỉ lệ tương đồng trong các báo cáo của sinh viên đã ít hơn trước.
Áp dụng phần mềm phát hiện đạo văn từ năm 2010, ông Lâm Thành Hiển - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - cho biết lúc đầu trường phát hiện rất nhiều công trình khoa học, luận án tốt nghiệp có mức độ tương đồng cao hơn tỉ lệ quy định (10-30% tùy nội dung). Từ đó đến nay, tình trạng đạo văn đã giảm hẳn.
Tương tự, ông Vũ Trọng Nghĩa cho hay khi mới triển khai, Trường ĐH Kinh tế quốc dân phát hiện rất nhiều luận văn, bài báo có mức độ tương đồng trên 30%, bị trả lại yêu cầu sửa. Đến nay hầu như không còn tình trạng này.
Hướng dẫn sinh viên tránh đạo văn
Trong các buổi sinh hoạt đầu, giữa và cuối khóa, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đều nhắc nhở sinh viên về đạo văn, tránh trường hợp sinh viên vô tình đạo văn.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM yêu cầu giảng viên hướng dẫn người học thực hiện quy định do trường ban hành, về trích dẫn trong các sản phẩm khoa học, và quy định kiểm tra đạo văn.
Bà Trịnh Minh Huyền - trợ lý hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho hay ngay từ đầu khóa, trường đã hướng dẫn chi tiết cho sinh viên các quy định của trường về đạo văn, cách thức trích dẫn, ghi nguồn.