Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi nhiều so với năm 2019, với tổng chỉ tiêu khoảng 6.700-6.800.
Thí sinh chỉ lựa chọn đăng ký một tổ hợp môn có kết quả thi tốt nhất vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Theo phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, năm 2020, thí sinh đăng ký nguyện vọng theo ngành/chương trình đào tạo (gọi chung là ngành). Mỗi ngành được ấn định một mã xét tuyển. Mỗi ngành chỉ có một điểm trúng tuyển được áp dụng cho tất cả các tổ hợp môn xét tuyển của ngành đó. Do vậy thí sinh lựa chọn và chỉ đăng ký một tổ hợp môn có kết quả thi tốt nhất.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 3 phương thức xét tuyển.
Thứ nhất, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo (đối với thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, đoạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế).
Thứ hai, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 (có ưu tiên xét tuyển và cộng điểm ưu tiên cho các thí sinh không sử dụng quyền được tuyển thẳng và các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế).
Thứ ba, đối với các chương trình đào tạo quốc tế, ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ A-Level, SAT, ACT với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của trường.
Các đối tượng được tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển
Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc đoạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia các môn toán, lý, hóa, tin học, sinh học, Anh văn và đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng theo nguyện vọng vào một ngành đào tạo phù hợp với môn đoạt giải. Thí sinh đoạt giải chính thức trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế được xét tuyển thẳng vào một ngành do Hội đồng tuyển sinh quyết định, căn cứ nội dung đề tài dự thi đã đoạt giải.
Chỉ tiêu tuyển thẳng vào một ngành không vượt quá 20% chỉ tiêu dự kiến của ngành đó. Ngoài ra, trường xét tuyển thẳng cho các thí sinh thuộc diện được tuyển thẳng khác theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo (Anh hùng lao động, thí sinh bị khuyết tật nặng...).
Thí sinh không sử dụng quyền được tuyển thẳng sẽ được cộng điểm ưu tiên vào tổng điểm xét tuyển (quy về thang điểm 30) để xét tuyển theo mã ngành/chương trình đăng ký có tổ hợp xét tuyển chứa môn thi đạt giải (hoặc môn thi đạt giải phù hợp với ngành học) theo các mức điểm cụ thể sẽ được công bố trong Đề án tuyển sinh 2020.
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS đạt từ 5.5 trở lên (hoặc quy đổi tương đương đối với các chứng chỉ khác) được cộng điểm khuyến khích vào tổng điểm xét tuyển (quy về thang điểm 30) cho các ngành, chương trình đăng ký xét tuyển với tổ hợp xét tuyển không có môn tiếng Anh. Mức cộng theo quy định của trường...
Học phí, học bổng
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công khai học phí của các chương trình chuẩn nằm trong khoảng 17-25 triệu đồng/năm học 2020-2021 tùy theo ngành đào tạo.
Học phí của các chương trình tiên tiến bằng 1,3-1,5 lần mức học phí chương trình chuẩn cùng ngành. Học phí của các Chương trình đào tạo quốc tế do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cấp bằng trong khoảng 25-30 triệu đồng/học kỳ tùy theo chương trình.
Trường cũng áp dụng chính sách cấp học bổng hỗ trợ học tập cho sinh viên khó khăn với hai mức: toàn phần (trị giá tương đương 100% học phí chương trình đại học) và bán phần (50% học phí); học bổng khuyến khích tài năng cho những sinh viên đạt thành tích học tập xuất sắc nhất hằng năm và các tân sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia, khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Theo Tuổi trẻ