Trung thu của hai mẹ con

12/09/2016 14:42

Có đứa nhỏ nào mà không thích Trung thu, Tết của trẻ nhỏ mà. Con trai tôi học lớp 3, mới cuối tháng bảy âm lịch trông trăng đã hớn hở nói chuyện Trung thu rồi.



Còn tôi thì nẫu ruột nẫu gan nghĩ “Mới đó lại tới Trung thu ?”.

Gần đây, xuất hiện cụm từ Tết đoàn viên. Con trai xem quảng cáo bánh Trung thu trên ti vi, thơ ngây hỏi: “Tết đoàn viên là gì hả mẹ?”. Tôi trả lời cho xong chuyện: "Là tên gọi khác của Tết Trung thu đó con". Tôi biết, con trai vẫn không thỏa mãn với câu trả lời của tôi... Nhưng tôi vẫn cố tình chuyển đề tài. Tôi sợ lắm cụm từ “Tết đoàn viên” bởi người đàn ông ấy đã rời bỏ hai mẹ con tôi trước khi trăng Trung thu sắp tròn. Tôi phải quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt chạnh lòng khi nghĩ đến thiệt thòi của tuổi thơ con. Từ trước tới giờ, mùa Trung thu nào con trai cũng tung tăng cầm cái lồng đèn bằng tre, dán giấy bóng, có cây nến thắp sáng bên trong do bố làm. Giờ tới Trung thu nữa rồi, tôi đểnh đoảng, không thể làm được lồng đèn. Tôi khóc. Tôi sợ Trung thu này, con trai sẽ bớt vui.

Vì đây là Trung thu đầu tiên nhà chỉ còn hai mẹ con, tâm lý muốn bù đắp cho con nên ý nghĩ muốn Trung thu chỉ còn hai mẹ con phải vui hơn, đặc biệt hơn những Trung thu trước chi phối tôi. Vậy là tôi toàn tâm toàn ý để lo cho con một mùa Trung thu vui vẻ.

Tôi sợ nhất ban đêm phải đi xe ra đường, vì thế tối nào hai mẹ con cũng xách đèn pin đi bộ xem người ta tập múa lân. Đông người quá, tôi phải cho con ngồi lên cổ, ráng trụ chân để con được nhìn lân. Nhìn ra xung quanh cũng thấy nhiều đứa trẻ được kiệu lên cổ nhưng đều là những bờ vai vững chắc của những người cha, chỉ có mình con trai tôi là có "chiếc ngai" đặc biệt là bờ vai của mẹ. Hôm nào cũng vậy, hai mẹ con tôi đi theo lân tới chừng nào bết chân tôi mới dắt con về. Đêm mười bốn, tôi còn mời đoàn lân về nhà múa cho con vui. Nhà tôi trồng nhiều phong lan và các loại dây leo, lân vào nhà, khán giả xem chật ních. Vậy là sau khi đoàn lân đi, vườn hoa của tôi cũng… tan tành. Tôi yêu hoa nên cũng thấy lòng… tan nát. Nhưng tôi tự an ủi mình: Không sao, mình sẽ phục sinh lại “công trình thế kỷ” sau, còn hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được nhìn con trai mỉm cười vui sướng.

Thay vì năm nào cũng cầm lồng đèn, con trai muốn có một chiếc đầu lân. Nghĩ đến làm lồng đèn đã khó, huống chi là hẳn cái đầu lân, tôi ngỏ ý hay là hai mẹ con cùng vòng qua mấy cửa hàng bán đồ chơi tìm mua một chiếc. Không ngờ cu cậu dõng dạc bảo: "Năm nay con lớn rồi, con muốn tự mình chế tạo một cái đầu lân, được không mẹ". Tất nhiên là tôi không nỡ từ chối mong ước nhỏ bé của con. Vậy là hai mẹ con tôi cùng thực hiện “chiến dịch” làm một cái đầu lân. Hai mẹ con cùng mở mạng internet xem người ta hướng dẫn làm đầu lân. Nghe cũng có vẻ không quá khó. Rồi tôi lấy thùng giấy lớn, cắt, dán tròn, khoét hai lỗ lớn làm mắt và cái miệng rộng thành hình đầu lân. Con trai cắt bìa cứng làm lưỡi, tôi cuộn tròn 2 tờ giấy thành hình cái sừng. Con trai chạy đi lấy giấy màu, giấy bạc trong gói thuốc mà chú hàng xóm vứt, hai mẹ con ngồi cắt dán, trang trí đầu lân. Con trai nhanh trí lấy tấm vải mỏng phủ bàn làm mình con lân. Vậy là đã xong, một cái đầu lân khá bảnh. Con trai cười tít mắt, ôm cái đầu lân đi khoe mấy bạn cùng xóm rồi về bảo chúng bạn đứa nào cũng trầm trồ, thán phục.

Trò chơi múa lân bắt đầu. Tôi làm đạo diễn, kiêm người gõ trống (trống lân là cái nắp vung). Con trai làm lân, nằm phủ phục dưới đất, chào gia chủ rồi đưa hai chân lên nhảy múa, uốn lượn. Tiếng trống của tôi lúc chậm lúc nhanh, tùy theo nhịp múa của chú lân con. Trò chơi múa lân của hai mẹ con tôi diễn ra trước sân nhà, dưới ánh trăng vằng vặc, ngôi nhà bừng sáng, rộn rã tiếng cười.

Xong tiết mục múa lân là tiết mục phá cỗ trông trăng. Tôi chỉ lên trăng, bảo chị Hằng đang mỉm cười nhìn mẹ con ta. Và nói với con, vì mẹ yêu con, vì con yêu mẹ, vì Trung thu là dịp để mẹ con ta thể hiện tình yêu của nhau nên Tết Trung thu còn gọi là Tết đoàn viên. Con trai tôi mỉm cười, nhào tới, ôm chặt mẹ.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung thu của hai mẹ con