Trung Quốc trở thành ''đối thủ cạnh tranh mới'' của quân đội Nga ở châu Phi

03/08/2022 11:30

Trung Quốc từ lâu đã xây dựng được ảnh hưởng nhất định ở châu Phi. Điều này được chứng minh bằng việc đặt căn cứ quân sự ở Djibouti và sự tham gia vào các hoạt động của Liên hợp quốc.

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Diễn đàn An ninh Trung Quốc -  châu Phi lần thứ 2. Ảnh: mod.gov.cn

Theo bình luận của báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 2.8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã kêu gọi các quan chức từ 48 quốc gia châu Phi cùng hợp tác để bảo vệ thế giới trên cơ sở Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu được Bắc Kinh công bố hồi tháng 4.2022.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên lục địa này ngày càng mở rộng. Quân đội Trung Quốc đang hỗ trợ cho châu Phi kỹ thuật chiến đấu hiện đại, chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố và các mối đe dọa khác. Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở quân sự tại Djibouti.

Trong một thông điệp gửi đến gần 50 đại diện cấp cao của quân đội và cơ quan quân sự của các quốc gia châu Phi tham dự Diễn đàn Hòa bình và An ninh Trung Quốc - châu Phi lần thứ 2, được tổ chức trực tuyến ngày 25/7 vừa qua, ông Tập Cận Bình cho rằng "không thể chấp nhận được việc đảm bảo an ninh của một số nước bằng tổn thất của những quốc gia khác, cũng như việc áp đặt các giá trị của họ đối với nước khác, và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt một cách thiếu kiểm soát là không thể chấp nhận được. An ninh và hòa bình phải là tài sản của tất cả".

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) cũng có bài phát biểu tại diễn đàn, cho rằng Trung Quốc và châu Phi nên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cung cấp vũ khí, tiến hành nhiều cuộc tập trận chung trên biển.

Theo John Calabrese, Trưởng khoa tại Đại học Mỹ ở Washington, việc Trung Quốc tăng tốc tiến vào "Lục địa Đen" trong lĩnh vực quân sự là một sự phát triển tự nhiên trong bối cảnh Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh đã mở rộng khắp thế giới. Về mặt này, ý nghĩa của việc tạo căn cứ quân sự ở Djibouti và việc Trung Quốc tăng cường tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) là điều hiển nhiên.

Trung Quốc đã cử các đơn vị chiến đấu đến Sudan gần 10 năm trước, và vào năm 2013, nước này đã cử binh sĩ đến giúp phái bộ của LHQ tại Mali. Quân đội Trung Quốc đã hỗ trợ LHQ tại Liberia và Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung với Cameroon, Gabon, Ghana và Nigeria.

Nezavisimaya Gazeta cho rằng ở phương Tây, những bước đi này của Bắc Kinh được coi là một mối đe dọa đối với họ. Nhưng lợi ích của Nga, nhà cung cấp vũ khí và quân sự lớn nhất cho châu Phi, cũng có thể bị ảnh hưởng. Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh mới với Nga trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí cũng như mở rộng quan hệ quốc phòng với các nước châu Âu.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), một tổ chức theo dõi vũ khí toàn cầu, chỉ ra rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho các nước châu Phi trong giai đoạn 2017-2021. Doanh số bán vũ khí của Nga cho châu Phi chiếm 44% kim ngạch nhập khẩu vũ khí chính của châu lục này, tiếp theo là Mỹ (17%), Trung Quốc (10%) và Pháp (6,1%). Ai Cập và Algeria là những nước nhập khẩu chính các hệ thống vũ khí của Nga, trong khi Ethiopia đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với Moskva.

Về phần mình, Benjamin Barton, Phó Giáo sư tại Đại học Nottingham ở Malaysia, nhận định: "Bắc Kinh chủ yếu tìm cách thể hiện mình là một quốc gia quan tâm đến những người bạn châu Phi. Tuy nhiên, sự gia tăng hiện diện của các lực lượng quân sự Trung Quốc cũng được giải thích bởi thực tế là có nhu cầu ở châu Phi. Pháp đã mất uy tín ở một số nước, chẳng hạn như Mali. Các đơn vị của Pháp đã đóng ở đó gần 10 năm và vào đầu năm nay, Paris tuyên bố rút quân. Vị trí của họ đang dần bị Nga thay thế".

Với Mỹ, nước này dưới thời Tổng thống Donald Trump đã giảm số lượng quân nhân ở châu Phi. Hiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục vai trò của Mỹ ở một quốc gia như Somalia. Ông Biden thậm chí còn thông báo đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho các nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington từ ngày 13-15.12 để "thể hiện cam kết của Mỹ đối với châu Phi".

Trong một cuộc phỏng vấn, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Alexei Vasiliev thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Phi lưu ý: “Mỹ đang lôi kéo Trung Quốc vào một cuộc đối đầu. Điều này chủ yếu là về nền kinh tế. Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của châu Phi. Về thương mại, Bắc Kinh vượt xa Washington. Tầm quan trọng của lục địa này trong cán cân quyền lực toàn cầu cũng được chứng minh qua chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Chuyến thăm này cho thấy châu Phi không muốn có lập trường rõ ràng thân phương Tây, mặc dù họ đang chịu áp lực từ tất cả các bên. Người dân châu Phi đang phải chịu cảnh giá cả tăng cao, thiếu lương thực. Họ đổ lỗi cho các cường quốc thuộc địa cũ và Mỹ về điều này". 

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc trở thành ''đối thủ cạnh tranh mới'' của quân đội Nga ở châu Phi