Các quan chức y tế Trung Quốc nói không phải tất cả mọi người đều cần tiêm vắc xin COVID-19 vì Bắc Kinh sẽ ưu tiên cho nhân viên y tế tuyến đầu và nhóm người có nguy cơ cao.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm hiểu về tiến trình sản xuất vắc xin COVID-19 trong chuyến thăm Học viện Khoa học quân y ở Bắc Kinh, ngày 2.3 - Ảnh: TÂN HOA XÃ
"Kể từ khi đợt COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc đã nhiều lần vượt qua tác động của đại dịch", Hãng tin CNS dẫn lời Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC), tại một hội nghị cấp cao về vắc xin vừa diễn ra ở TP Thâm Quyến.
Ông Gao Fu cho rằng việc tiêm chủng cho toàn dân là vấn đề cân bằng giữa "rủi ro và lợi ích" và hiện tại chưa cần phải tiêm phòng hàng loạt. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu một đợt bùng phát nghiêm trọng xảy ra.
Chính sách này cho thấy Trung Quốc khác với nhiều chính phủ phương Tây, đặc biệt là Australia, nơi đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng đại trà.
Số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Đã có vài đợt bùng phát lớn, như đợt ở tỉnh Cát Lâm vào tháng 5, đợt bùng phát ở Bắc Kinh vào tháng 6 và ở Tân Cương vào tháng 7, nhưng đều đã được ngăn chặn trong vài tuần.
Ông Gao trích dẫn những đợt bùng phát nói trên như bằng chứng cho thấy biện pháp ứng phó dịch hiệu quả của Trung Quốc.
Như vậy, bất kỳ loại vắc xin tiềm năng nào được đưa vào sử dụng sẽ ưu tiên cho những người ở tuyến đầu: nhân viên y tế, công dân Trung Quốc làm việc ở nước ngoài - những điểm nóng về dịch, cùng với những người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao như nhà hàng, trường học.
Chạy đua tìm vắc xin
Theo Đài CNN, trái với những bình luận của ông Gao Fu, Trung Quốc đang là một trong những nước đi đầu trong cuộc chạy đua phát triển vắc xin COVID-19.
Quốc gia tỷ dân là nhà sản xuất và tiêu thụ vắc xin lớn nhất thế giới và có thể cung cấp hơn 1 tỷ liều vắc xin hằng năm từ 40 nhà sản xuất của nước này.
Trong số hơn 30 loại vắc xin hiện đang được thử nghiệm trên người trên toàn cầu, có 9 loại đến từ Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Hơn nữa, 4 trong số 9 ứng cử viên vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng được phát triển bởi công ty Trung Quốc.
Ivan Hung, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Hong Kong, hồi tháng 8 nói rằng tiêm phòng là chìa khóa cho các quốc gia như Trung Quốc vì khả năng miễn dịch nói chung là còn rất thấp.
Theo Tuổi trẻ