Theo các nhà quan sát Trung Quốc, hợp tác năng lượng giữa Bắc Kinh và Moskva dự kiến ngày càng gia tăng khi châu Âu tìm cách từ bỏ dầu và khí đốt của Nga do xung đột Ukraine.
Phân tích trên được đưa ra khi Nga – quốc gia sản xuất khoảng 10% lượng dầu của thế giới, nhà cung cấp 40% khí đốt cho châu Âu trước xung đột – tỏ ra không lo lắng khi phương Tây nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với nước này.
Các nhà kinh tế lớn của châu Á là một trong số ít khách hàng mua dầu và khí đốt khác của Nga. Theo ông Li Wei, Phó Giáo sư tại khoa Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Renmin, Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga với mức chiết khấu lớn trong những tuần trở lại đây. Trong khi đó, Trung Quốc – quốc gia mua khoảng 25% lượng dầu của Nga – vẫn là một nhà nhập khẩu ổn định. “Miễn là Bắc Kinh không tham gia áp lệnh trừng phạt Moskva, 1/4 doanh thu xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn ổn định”, ông Li cho biết tại hội thảo.
Đã có nhiều nhận định cho rằng việc Trung Quốc từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine có thể là “phao cứu sinh” đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn của Moskva. Chuyên gia Li khẳng định Bắc Kinh không có khả năng theo sau phương Tây áp đặt trừng phạt Nga. Ông nhấn mạnh: “Rõ ràng Trung Quốc không có nghĩa vụ hợp tác với phương Tây trong vấn đề nhập khẩu dầu và khí đốt, cả về lợi ích kinh tế hay chiến lược”.
Vài tuần trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24.2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thủ đô Bắc Kinh. Tại đây, hai bên đã ký nhiều văn bản hợp tác năng lượng theo một phần của quan hệ đối tác “không giới hạn”.
Bốn ngày sau khi xung đột nổ ra, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Mông Cổ về việc xây dựng đường ống Soyuz Vostok, dẫn khí đốt từ các mỏ ở vùng Yamal tới Trung Quốc. Tổng chiều dài của đường ống này qua lãnh thổ Mông Cổ sẽ là khoảng 963 km.
Quá trình xây dựng dự kiến khởi công vào năm 2024. Sau khi hoàn thành, đường ống này sẽ cho phép Gazprom cung cấp thêm tới 50 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc. Dự án này cũng sẽ mở rộng đáng kể thương mại khí đốt giữa hai quốc gia, vốn đã được kết nối bởi đường ống Power of Siberia, bắt đầu bơm khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc kể từ năm 2019. Đồng thời, đường ống này cũng đặt mục tiêu cung cấp 38 tỷ m3 (với công suất đầy đủ) từ Yakutia giàu khí đốt ở vùng Viễn Đông Nga cho Trung Quốc vào năm 2025.
Ông Cui Shoujun, Phó trưởng khoa Quản trị quốc tế tại Đại học Renmin, lưu ý rằng khi đường ống Soyuz Vostok hoàn thành, nó có thể kết nối với đường ống phía tây của Nga tới châu Âu và thay vào đó sẽ bơm khí đốt sang Trung Quốc. Ông nói: “Từ quan điểm trung và dài hạn, sau khi Nga mất thị phần ở châu Âu, Trung Quốc mới là nhân tố có khả năng tiếp quản thị trường này”.
Ông Cui bình luận thêm rằng khi mối quan hệ hợp tác năng lượng giữa Nga và Trung Quốc được đẩy mạnh, nó có thể giúp thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu.
Giới chức Nga đã bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại với Trung Quốc. Iran - quốc gia đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ và Liên minh châu Âu về chương trình hạt nhân - cũng đã sử dụng đồng nhân dân tệ thay vì USD để giải quyết các giao dịch dầu mỏ.
Gần đây, có thông tin cho rằng Saudi Arabia cũng đang xem xét chấp nhận đồng nhân dân tệ trong các giao dịch dầu mỏ với Bắc Kinh. Trung Quốc mua hơn 25% lượng dầu xuất khẩu của Saudi Arabia, quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ hai thế giới sau Venezuela.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu có kế hoạch từ bỏ khí đốt của Nga và đa dạng hóa nguồn cung của mình, nhu cầu mạnh mẽ đối với các phương tiện chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), chẳng hạn các tàu chở dầu, có thể thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng đồng nhân dân tệ.
“Các nước như Mỹ không có đủ tàu chở LNG. Trong khi đó, Trung Quốc lại là một trong những quốc gia có năng lực đóng tàu LNG mạnh nhất trên thế giới. Trung Quốc có nhiều tàu và có thể đóng chúng nhanh chóng, và các tàu LNG lớn có thể vận chuyển lượng lớn khí đốt, và điều đó cũng giúp thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu”, ông Cui giải thích.
Bắc Kinh vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề Ukraine, ủng hộ các bên chấm dứt xung đột và giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Đông Âu. Hôm 12/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị n tuyên bố giao tranh hay lệnh trừng phạt không phải là cách đúng đắn để giải quyết bất đồng. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh đang thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và giảm leo thang theo “cách riêng của mình”, nhưng không nêu cụ thể.
Theo Báo Tin tức