Là thành trì cuối cùng trên thế giới theo đuổi chiến lược "Zero COVID", Trung Quốc đang đối mặt với đợt dịch mới đầy thách thức. Câu hỏi đặt ra là thành trì này vẫn vững chắc hay sẽ lung lay?
Ngày 7.11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 50 ca nhiễm trong cộng đồng trong ngày trước đó. Đợt dịch lần này đã lan sang 20 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc và là đợt dịch lan rộng nhất kể từ đợt bùng phát ở TP Vũ Hán hồi đầu năm 2020.
Dịch lan nhanh và rộng
Tính từ ngày 17.10 tới 5.11, Trung Quốc đã ghi nhận 918 ca nhiễm mới tại 44 thành phố ở 20 tỉnh. Đợt dịch này có sự xuất hiện của biến thể Delta, vốn có mức độ lây nhiễm cao. "Dịch lan nhanh và rộng", ông Ngô Lương Hữu, Phó Cục trưởng Cục Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh thuộc NHC, đánh giá.
Theo ông Ngô, đợt dịch lần này xuất phát từ nhiều nguồn nhập khẩu không liên quan đến nhau. Ông cho biết dịch COVID-19 tại các tỉnh Hắc Long Giang, Hà Bắc (gần Thủ đô Bắc Kinh), Hà Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên cùng TP Trùng Khánh và Đại Liên vẫn đang phát triển, đòi hỏi giám sát chặt chẽ.
Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đang tìm cách sống chung với COVID-19, Trung Quốc là nước lớn duy nhất còn theo đuổi chiến lược "Zero COVID" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng). Thậm chí nếu ghi nhận chỉ một hoặc vài ca nhiễm, Trung Quốc vẫn có thể phong tỏa toàn bộ một thành phố nào đó, theo sau đó là nhiều đợt xét nghiệm PCR cho đến khi nào không còn ca nhiễm trong cộng đồng.
Rõ ràng chiến lược này đã chứng tỏ hiệu quả tại Trung Quốc, ít nhất là đến lúc này. Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới phục hồi mà còn ghi nhận GDP tăng 9,8% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Thống kê quốc gia của Trung Quốc.
Dẫu vậy, chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn tự tin Trung Quốc có thể vượt qua thách thức của mùa đông sắp tới.
"Khu vực tây bắc Trung Quốc đã ghi nhận nhiều đợt bùng phát. Miễn là Trung Quốc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn, gồm truy vết, tăng cường xét nghiệm với người tiếp xúc gần bệnh nhân hoặc xét nghiệm diện rộng khi cần thiết, tôi nghĩ tình hình dịch có thể được kiểm soát trong thời gian khá ngắn", ông Chung giải thích.
Còn lâu... mới mở cửa
Hiện nay Chính phủ Trung Quốc chưa cho thấy dấu hiệu sẽ từ bỏ chiến lược "Zero COVID". "Theo ước tính của tôi, Trung Quốc sẽ không mở cửa trở lại trong một năm nữa", ông Trần Tranh Minh (Chen Zhengming), giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford (Anh), dự đoán.
"Tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc rất cao, nhưng hầu hết người dân được tiêm bằng vắc xin bất hoạt, kém hiệu quả hơn so với vắc xin công nghệ mRNA. Nếu không phủ đầy đủ mũi vắc xin tăng cường và nếu tình hình dịch ở những nơi khác không thay đổi đáng kể, tôi nghĩ khả năng Trung Quốc mở cửa trở lại và từ bỏ chiến lược "Zero COVID" là thấp", ông giải thích.
Theo NHC, tính đến ngày 5.11 Trung Quốc đã tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 cho 1,072 tỷ dân, chiếm hơn 75% trong tổng số 1,41 tỷ dân của nước này. Ngoài ra, có hơn 37 triệu người ở Trung Quốc đã được tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Chuyên gia Trần Tranh Minh cho rằng trong trường hợp không đạt các điều kiện trên, Trung Quốc "sẽ không thay đổi chiến lược "Zero COVID" trừ khi họ rơi vào tình huống không thể kiểm soát dịch được nữa".
Giáo sư Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yan Zhong), nhà nghiên cứu về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) có trụ sở ở Mỹ, cho rằng sẽ không có gì thay đổi cho đến sớm nhất là sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2022. "Chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ rủi ro nào xuất hiện trước sự kiện này", ông Hoàng bình luận.
Đối với giới quan sát chính trị, nếu Trung Quốc bỏ chiến lược "Zero COVID" ngay trước Thế vận hội mùa đông và Đại hội đảng lần thứ 20 vào năm 2022 thì đó sẽ là điều gây bất ngờ.
Ông Frank Tsai, giảng viên tại Trường kinh doanh Emlyon ở Thượng Hải, đánh giá Chính phủ Trung Quốc sẽ "cực kỳ miễn cưỡng từ bỏ "Zero COVID" để tránh bất kỳ đợt bùng phát nào làm tổn hại đến tính chính danh của họ".
Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Trung Quốc lớn đến mức họ có thể làm mọi thứ họ muốn mà không cần phải mở cửa. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước mở cửa trở lại, nếu Trung Quốc theo đuổi chiến lược này đến cùng, có nguy cơ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bị cô lập trong những năm tới.
Trong một kịch bản xa hơn, nếu Trung Quốc quyết định từ bỏ chiến lược "Zero COVID", nước này có thể chọn một vài nơi để bắt đầu thử nghiệm, trong đó phải bảo đảm kiểm soát được các rủi ro.
2,9
Ông Jason Wang, Giám đốc Trung tâm chính sách của Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng một trong những lý do khiến Trung Quốc trì hoãn mở cửa trở lại là hệ thống y tế. Nước này chỉ có 2,9 bác sĩ đa khoa để phục vụ cho mỗi 10.000 dân vào năm ngoái, còn tại Bắc Kinh có 0,488 bệnh viện hạng 3 (loại tốt nhất theo tiêu chuẩn Trung Quốc) phục vụ 10.000 dân.
"Hiện nay vốn đã khó để người dân được chăm sóc sức khỏe ở nhiều thành phố. Số ca nhiễm tăng đột ngột có thể khiến bệnh viện quá tải và điều đó có thể dẫn đến bất ổn xã hội", ông Jason Wang lý giải.
Theo Tuổi trẻ