Tàu Thần Châu 19 cất cánh thành công chở 3 phi hành gia lên trạm Thiên Cung trong nhiệm vụ kéo dài 6 tháng.
Tên lửa Trường Chinh 2F đưa tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 19 cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền vào 4 giờ 27 ngày 30/10 theo giờ Bắc Kinh (3 giờ 27 ngày 30/10 giờ Hà Nội). Con tàu chở 3 phi hành gia gồm chỉ huy Cai Xuzhe, 48 tuổi, người từng tham gia nhiệm vụ Thần Châu 14, Song Lingdong, 34 tuổi, cựu phi công không quân, và Wang Haoze, 34 tuổi, kỹ sư bay vũ trụ, theo Space.
Thần Châu 19 được lên lịch ghép nối với trạm vũ trụ Thiên Cung khoảng 6,5 giờ sau khi phóng. Phi hành đoàn sẽ trải qua 6 tháng trên trạm Thiên Cung, tiến hành một loạt thí nghiệm và thực hiện nhiều hoạt động ngoài phương tiện hay còn gọi là đi bộ không gian. Chỉ huy nhiệm vụ là Cai đã trải qua 182 ngày trong vũ trụ ở nhiệm vụ trước đó và tiến hành đi bộ không gian, do đó ông sẽ dẫn dắt hai đồng nghiệp trẻ hơn.
"Trong suốt nhiệm vụ, chúng tôi sẽ thực hiện công việc thí nghiệm khoa học và quản lý trạm vũ trụ. Tôi chủ yếu chịu trách nhiệm về các dự án thí nghiệm trong không gian, quản lý vật liệu và vận hành trạm" Wang nói. Ngoài ra, bộ ba phi hành gia sẽ lắp đặt thiết bị bảo vệ trước rác vũ trụ, lắp và tái chế thiết bị ngoài phương tiện.
Lin Xiqiang, phát ngôn viên của Cơ quan bay vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết các phi hành gia được lên lịch tiến hành 86 thí nghiệm khoa học. Trọng tâm sẽ là sinh vật học và khoa học vật lý trong không gian, bao gồm nhiều lĩnh vực như khoa học đời sống vũ trụ, vật lý vi trọng lực cơ bản, vật liệu, thuốc và công nghệ vũ trụ mới, ví dụ phân tích cấu trúc sự phát triển tinh thể protein và động lực học phi cân bằng của vật chất mềm trong điều kiện vi trọng lực.
Thần Châu 19 là nhiệm vụ thứ 33 trong chương trình bay vũ trụ có người lái của Trung Quốc. Những nhiệm vụ này bao gồm bay thử không người lái, nhiệm vụ chở người, phóng module của trạm Thiên Cung, tàu chở hàng Thiên Châu và nạp nhiên liệu. Trung Quốc đang chuẩn bị đưa tàu chở hàng Thiên Châu 8 lên trạm Thiên Cung để bổ sung nhu yếu phẩm. Phương tiện cũng mang theo nhiều thí nghiệm mới và có thể triển khai vệ tinh cubesat trên quỹ đạo. Nhiệm vụ đó sẽ phóng trên tên lửa Trường Chinh 7 từ cảng vũ trụ Văn Xương ven biển.
Trong khi đó, phi hành đoàn Thần Châu 18 ở trạm Thiên Cung đang chuẩn bị rời đi. Bộ ba Ye Guangfu, Li Cong và Li Guangsu tới trạm Thiên Cung vào cuối tháng 4 sẽ bàn giao trạm cho Cai, Song và Wang. Ye và đồng nghiệp sẽ quay trở về Trái Đất vào 1 giờ ngày 4/11 theo giờ Bắc Kinh (0h ngày 4/11 giờ Hà Nội).
Thần Châu 19 là nhiệm vụ có người lái thứ 8 lên trạm Thiên Cung. Trạm vũ trụ hình chữ T gồm 3 module, được xây dựng qua 3 lần phóng tên lửa Trường Chinh 5B từ năm 2021 đến năm 2022. Trung Quốc dự định duy trì trạm Thiên Cung (lớn bằng 20% trạm ISS) có người ở liên tục và hoạt động ít nhất một thập kỷ. Họ cũng muốn mở rộng trạm với các module mới để phục vụ hoạt động thương mại.
T.H (theo VnExpress)