Phản đối việc bị gắn nhãn "ngoại giao chiến lang", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói đó là "một cạm bẫy ngôn ngữ, với mục đích ngăn chúng tôi đáp trả".
Phát biểu trong một diễn đàn tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 5.12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói "việc gắn nhãn "ngoại giao chiến lang" với chúng tôi ít nhất là sự hiểu sai về ngoại giao Trung Quốc", theo Hãng tin Trung Quốc Tân Văn xã.
Hiện nay cụm từ "chiến lang" thường được truyền thông quốc tế dùng khi nói về cái gọi là "ngoại giao chiến lang" (wolf warrior diplomacy) nhằm chỉ phong cách đối đầu quyết liệt, không hề "ngoại giao" của quan chức ngoại giao Trung Quốc.
Ông Lạc giải thích: "Trung Quốc xưa nay là quốc gia của lễ nghi, dĩ hòa vi quý, trước giờ không chủ động khiêu khích người khác".
"Giờ đây họ đến ngưỡng cửa của chúng tôi, can thiệp vào việc nhà của chúng tôi, lại chửi mắng và bôi nhọ chúng tôi. Chúng tôi không còn đường lùi, buộc phải đứng dậy tự vệ, bảo vệ vững vàng sự tôn nghiêm và lợi ích của quốc gia" - ông Lạc phát biểu.
"Rõ ràng 'ngoại giao chiến lang' trên thực tế là một phiên bản của 'thuyết đe dọa Trung Quốc', là một 'cạm bẫy ngôn ngữ', với mục đích ngăn chúng tôi đáp trả. Tôi nghi ngờ những người này (những người đã gắn mác trên) vẫn chưa tỉnh từ giấc mộng 100 năm trước" - ông Lạc Ngọc Thành nói.
Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post, "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc ngày càng gây ra báo động tại nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên được xem là "người cầm cờ" với việc phản ứng gay gắt với các chỉ trích trên mạng xã hội.
Hồi tháng 11, ông Triệu Lập Kiến đã có những phản ứng quyết liệt trước tuyên bố chung mới đây của Ngoại trưởng 5 nước nước nhóm Ngũ nhãn (Five Eyes) về vấn đề Hong Kong. Ông dọa sẽ "chọc mù mắt" Mỹ cùng các thành viên khác của nhóm "Ngũ nhãn".
Theo Tuổi trẻ