Hãng tin Reuters ngày 5.12 dẫn 2 nguồn tin cho biết Trung Quốc có thể công bố 10 biện pháp nới lỏng phòng dịch COVID-19 sớm nhất ngày 7.12, bổ sung vào 20 biện pháp công bố hồi tháng 11.
Các biện pháp nới lỏng (tính tới 5.12)
Trung Quốc đã trải qua ba năm áp dụng các biện pháp phòng dịch không khoan nhượng, từ đóng cửa biên giới đến phong tỏa diện rộng, đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Liệu giai đoạn này sắp tới hồi kết?
Kêu gọi hạ cấp quản lý dịch
Các nguồn tin của Reuters cho biết mức độ ứng phó COVID-19 có thể bị hạ cấp ngay sau tháng 1, giảm xuống mức B, ít nghiêm ngặt hơn mức A vốn dành cho những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu bắt tín hiệu cho sự thay đổi này. Ngày 4.12, tờ Đệ Nhất Tài Kinh (Yicai) cho rằng các điều kiện đang chín muồi để Trung Quốc nới lỏng chính sách quản lý COVID-19 khi vi rút (biến thể Omicron) đang suy yếu.
Các bệnh xếp ở mức A tại Trung Quốc bao gồm dịch hạch và dịch tả, trong khi SARS, AIDS và bệnh than thuộc mức B. Các bệnh có khả năng gây bệnh mạnh, tỉ lệ tử vong cao và khả năng lây nhiễm cao như COVID-19 dù được xếp vào mức A hay B vẫn được quản lý theo mức A. Khi dịch bệnh xếp ở mức A, chính quyền địa phương có thể đưa bệnh nhân và những người tiếp xúc gần với họ đi cách ly và phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng.
Đệ Nhất Tài Kinh là tờ báo đầu tiên đề cập ý tưởng hạ cấp quản lý dịch. Ngày 4.12, trang này trích dẫn một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm không nêu tên cho rằng hơn 95% các trường hợp mắc COVID-19 của Trung Quốc không có triệu chứng và nhẹ, do đó trong những trường hợp như vậy việc tuân thủ quản lý mức A là không phù hợp với khoa học. Chuyên gia này cho rằng nên hạ việc quản lý COVID-19 xuống mức B hoặc C.
Tuần trước, Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan cho biết Trung Quốc đang đối mặt với "tình hình mới" khi khả năng gây bệnh của chủng Omicron đã giảm. Bà là quan chức chính phủ cấp cao đầu tiên công khai thừa nhận khả năng gây bệnh của biến thể mới đã giảm, dù trước đó bà là gương mặt đại diện cho các biện pháp kiểm soát cứng rắn của Trung Quốc, người đã đi khắp đất nước để giám sát chống dịch, theo báo South China Morning Post.
Kể từ đó, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên diện rộng, giảm xét nghiệm PCR, dừng kiểm tra xét nghiệm âm tính tại nơi công cộng như tàu điện ngầm hay công viên.
Người dân đi tàu điện ngầm ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vào hôm 30.11, sau khi thành phố này nới lỏng các biện pháp hạn chế
Cuộc sống dần trở lại bình thường
Chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu gỡ bỏ các hạn chế đã chi phối cuộc sống của người dân trong nhiều năm, thể hiện qua việc các doanh nghiệp ở Bắc Kinh và các thành phố lớn khác đã mở cửa trở lại.
Tại thủ đô Bắc Kinh, kể từ 5.12, người đi làm không còn phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ khi sử dụng giao thông công cộng. Trung tâm tài chính Thượng Hải - nơi đã trải qua đợt phong tỏa kéo dài hai tháng trong năm nay - cũng nối gót Bắc Kinh. Cư dân Thượng Hải có thể tới các địa điểm ngoài trời như công viên và điểm du lịch mà không cần giấy xét nghiệm mới.
Thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) thậm chí còn tiến bước xa hơn, chấm dứt xét nghiệm hàng loạt thường xuyên cho 10 triệu người, trừ người sống hoặc đến thăm các viện dưỡng lão, trường học và nhà trẻ.
Thành phố Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, đã cho phép siêu thị, khách sạn, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết mở cửa lại kể từ 5.12. Urumqi đã trải qua một trong những đợt phong tỏa lâu nhất ở Trung Quốc, một số khu vực bị đóng cửa từ tháng 8 đến tháng 11.
Các nhà chức trách ở trung tâm thành phố Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên của thế giới, cũng đã bỏ yêu cầu trình giấy xét nghiệm khi tham gia giao thông công cộng từ 4.12. Cùng ngày, Trịnh Châu - nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới - cho biết mọi người sẽ được phép vào những nơi công cộng, đi phương tiện công cộng và vào khu dân cư mà không cần kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ.
Dù vậy việc xét nghiệm vẫn chưa bỏ hoàn toàn trên khắp Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ chỉ bắt đầu vào tháng 3 hoặc tháng 4.2023, sau mùa cúm và phiên họp thường niên của Quốc hội bắt đầu vào ngày 5.3.2023.
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán Trung Quốc sẽ mở cửa dần dần từ tháng 4. Tuy nhiên, ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics (trụ sở ở London, nước Anh), cho biết việc Trung Quốc bỏ hẳn chính sách "Zero-Covid" (Không COVID-19) khó có thể xảy ra ngay cả vào năm 2023, với lý do tỉ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi, cùng các yếu tố khác.
Thị trường ngập sắc xanh Ngay trong ngày 5.12, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở nước ngoài đã liên tiếp tăng và đạt 6,99 nhân dân tệ đổi được 1 USD, tăng hơn 400 điểm so với ngày giao dịch trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên nhân dân tệ tăng trên mốc này kể từ tháng 9. Theo Hãng tin Reuters, thị trường chứng khoán Trung Quốc ngập sắc xanh phản ánh tâm lý tích cực của nhà đầu tư trước thông tin Bắc Kinh có thể nới lỏng chống dịch COVID-19. |
Theo Tuổi trẻ