Khu vực tập trận trong 2 đợt này nằm ở giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam.
Bắc Kinh liên tục có các đợt tập trận kéo dài ở Biển Đông gần đây. Các cuộc tập trận này chia thành hai đợt: đợt 1 từ ngày 4 đến 15.3 và đợt 2 từ ngày 19.3 đến 9.4.
Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông
Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang tận dụng việc thế giới dồn sự tập trung vào tình hình ở Ukraine để tranh thủ phô trương sức mạnh ở Biển Đông.
Tập trận cả ngày lẫn đêm
Nhận định về các cuộc tập trận kéo dài gần đây của Trung Quốc, giáo sư Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Úc - cho rằng các cuộc tập trận phức tạp đã được lên kế hoạch từ trước và phục vụ một số mục đích như đào tạo, tích hợp các nền tảng và công nghệ mới, để liên kết giữa các lực lượng như hải quân và không quân.
Theo chuyên gia người Úc, các cuộc tập trận của hải quân và không quân Trung Quốc từ ngày 4 đến 15-3 bao gồm các cuộc tập trận không quân phức tạp. Lực lượng không quân Trung Quốc đã tập trận cả ngày lẫn đêm với nhiều loại máy bay chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ từ các căn cứ không quân trong khoảng 20 giờ.
"Bức tranh toàn cảnh cho chúng ta thấy rằng Trung Quốc và Mỹ là đối thủ chiến lược và đang tham gia một vòng xoáy hành động và "trả đũa" ở Biển Đông. Nói cách khác, mỗi bên phản ứng lại các hoạt động quân sự của bên kia", giáo sư Thayer nhận định.
Ông Thayer cho rằng các cuộc tập trận quân sự được thiết kế để chứng minh khả năng cụ thể và quyết tâm chống lại sức mạnh hải quân của đối thủ. Các cuộc tập trận vào ban đêm và rạng sáng của họ là để đáp ứng thời điểm của các hoạt động không quân của đối thủ.
Theo một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự ở Bắc Kinh, "lịch trình huấn luyện mới nhằm đáp ứng các hoạt động của máy bay và tàu chiến Mỹ, luôn diễn ra từ nửa đêm đến 2h sáng", ông Thayer dẫn chứng.
Ngoài ra, có thể suy đoán rằng thời điểm được chọn là trước cuộc tập trận Balikatan thường niên giữa Philippines và Mỹ - một trong những cuộc tập trận lớn nhất trong những năm gần đây, giáo sư Thayer trả lời Tuổi Trẻ.
Ngoài hai đợt tập trận nêu trên, báo South China Morning Post đưa ra số thống kê đáng chú ý: Trung Quốc đã tiến hành gần 100 cuộc tập trận ban đêm trong năm 2021 so với chỉ 30 cuộc trong năm 2020.
Bình luận về các động thái này của Trung Quốc, ông Hoàng Việt, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng có thông tin cho biết Trung Quốc đã liên tục đưa ra các thông báo tập trận từ ngày 19-3 tới nay là để tìm kiếm một chiếc máy bay quân sự của họ đã bị rơi ở đây trong lúc tập trận. Tuy nhiên, việc kéo dài hoạt động tập trận cho dù máy bay đã được tìm thấy cho thấy Trung Quốc có thể có những ý đồ khác ở đây.
"Trước tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine khiến cả thế giới tập trung vào đây, sẽ có thể dẫn đến sự lơ là ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, có những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng các vị trí và ảnh hưởng của họ ở Biển Đông", ông Việt nhận định.
Phô trương sức mạnh
Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, nhận định Trung Quốc dường như muốn chứng tỏ rằng nước này không bị đe dọa bởi việc điều các tàu chiến qua lại khu vực tranh chấp ở Biển Đông của Mỹ, Nhật, Anh... cuối năm ngoái. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể là một nguyên do ảnh hưởng đến quyết định của Trung Quốc về thời điểm tập trận.
Nhắc đến việc Trung Quốc đã điều các máy bay chiến đấu J-11B mới nhất tham gia các cuộc tập trận, chuyên gia của CSIS đánh giá động thái này được xem như nhằm phô trương các công nghệ quân sự mới của Bắc Kinh.
Ông Thayer cũng nhìn nhận một loạt động thái của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian vừa qua là nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc, nhằm chứng minh lực lượng không quân của họ hiện đại và tinh vi đến mức nào.
Đồng ý với nhận định chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine hiện là ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền Tổng thống Biden, song giáo sư Thayer cho rằng chính quyền Biden sẽ không giảm nhẹ sự can dự với khu vực Đông Nam Á hoặc mối quan tâm với Biển Đông.
Ông Murray Hiebert cho rằng vừa qua Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN đã hoãn lại nhưng nguyên nhân chủ yếu là các nước chưa thống nhất về vấn đề thời điểm tổ chức. Ông cũng nhận định Mỹ sẽ không xem nhẹ vấn đề Biển Đông vì tình hình Ukraine.
Bình luận về thông tin Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn 3 thực thể gồm: đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông Hiebert cho rằng thông tin này không mới.
"Các thực thể mà Trung Quốc quân sự hóa trái phép đã được nước này sử dụng để tiến hành quấy rối hoạt động khai thác dầu khí và khí đốt ngoài khơi phía nam Việt Nam, Malaysia và Indonesia", ông Murray Hiebert nói.
Việt Nam phản đối Tại cuộc họp báo ngày 7.4, trả lời câu hỏi liên quan thông tin Trung Quốc tiếp tục tập trận kéo dài ở Biển Đông từ ngày 19.3 đến 9.4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam tiếp tục giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này. "Một lần nữa Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng và chấm dứt hoạt động vi phạm ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), kiềm chế không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình an ninh, ổn định ở Biển Đông", bà Hằng nhấn mạnh. |
Theo Tuổi trẻ