Hôm 19.5, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho biết nước này muốn mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Khối kinh tế này hiện có 5 thành viên - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trong bài phát biểu trước thềm cuộc họp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi các quốc gia thành viên thúc đẩy hợp tác. Trước đó, ông Tập Cận Bình đã mời Chính phủ Argentina tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm kinh tế này. Argentina đã phấn đấu gia nhập BRICS trong hơn 1 thập kỷ. Hồi tháng 2, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cũng nhắc lại mong muốn này.
Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thành lập lập BRICS từ năm 2009. Sau đó, đến năm 2010, Nam Phi cũng gia nhập nhóm. BRICS hiện chiếm hơn 16% thị phần thương mại toàn cầu và đại diện cho hơn 40% dân số thế giới.
Trong động thái mới đây, Nga đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy giao dịch bằng đồng nội tệ với các quốc gia BRICS. Moskva kêu gọi các đối tác thương mại của mình từ bỏ đồng USD và euro, chuyển sang sử dụng nội tệ trong các giao dịch. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng nhận định nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS sẽ là trung tâm trật tự thế giới mới.
Với kỳ vọng thay đổi cán cân kinh tế toàn cầu, BRICS đặt mục tiêu sẽ trở thành các nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa các thành viên nhóm BRICS đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Ngoài các hội nghị thượng đỉnh thường niên, nhóm BRICS đã tổ chức các hội nghị bộ trưởng và tiến hành các cuộc tham vấn giữa các viện nghiên cứu chính sách.
BRICS nhìn chung đã đạt được nhiều mục tiêu trong các vấn đề như bảo đảm hòa bình, giảm bớt xung đột, thúc đẩy phát triển, cũng như tìm cách tạo chỗ đứng các quốc gia mới nổi.
Theo Báo Tin tức