Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Hàn Quốc kể từ năm 2016.
Chuyến công du của Bộ trưởng Vương Nghị diễn ra trong khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng liên quan tới quyết định của Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Theo giới phân tích, chuyến thăm của Bộ trưởng Vương Nghị tới Hàn Quốc được coi như dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha
Quan hệ xấu đi do vấn đề THAAD
Ngay từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, Hàn Quốc và Trung Quốc đã lựa chọn xu hướng xây dựng mối quan hệ dựa trên giao lưu hữu nghị, hợp tác cùng thắng, bởi hai nước có mối ràng buộc mật thiết cùng những lợi ích chung tại một khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ mâu thuẫn do những vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ hay vũ khí hạt nhân.
Với lợi thế gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã phát triển vượt bậc, có thời kỳ kim ngạch thương mại song phương lên tới 300 tỷ USD/năm, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. Tuy nhiên, mối quan hệ này bất ngờ bị xấu đi nghiêm trọng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye quyết định triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc hồi năm 2016.
Dù Seoul luôn khẳng định việc triển khai THAAD là nhằm đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, song Bắc Kinh lại coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Những đòn trả đũa kinh tế không chính thức của Trung Quốc, như cấm xuất khẩu hay cấm du lịch, gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với cả hai nước, trong đó ước tính GDP của Hàn Quốc bị sụt giảm tới 6.500 tỷ won. Không những thế, mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước có vai trò quan trọng trong khu vực cũng đe dọa làm tổn hại hòa bình ở cả Hàn Quốc và Trung Quốc nói riêng cũng như toàn khu vực nói chung.
Nỗ lực cải thiện
Trước những nguy cơ với cả hai nước cũng như khu vực Đông Bắc Á, ngay từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5-2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã không ngừng nỗ lực nhằm tìm ra một sự “khởi đầu mới” trong mối quan hệ với Trung Quốc, vì sự thịnh vượng chung của hai nước cũng như trên toàn khu vực.
Tháng 12-2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Chuyến thăm này được cả hai nước tận dụng như một cơ hội quý nhằm hàn gắn những rạn nứt, gây dựng lại lòng tin, hướng đến mục tiêu chung duy trì an ninh và sự ổn định chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á trong bối cảnh quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua sau khi Seoul quyết định triển khai hệ thống THAAD của Mỹ, kéo theo một loạt hành động trả đũa kinh tế từ phía Bắc Kinh.
Việc Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí thúc đẩy mối quan hệ song phương nhằm đảm bảo ổn định lâu dài trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh là một bằng chứng cho thấy chính sách ngoại giao thực dụng, mềm dẻo của ông Moon Jae-in nhằm khôi phục lại mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh đang phát huy tác dụng.
Mặc dù chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in tới Trung Quốc đã mang lại nhiều kết quả khả quan, song việc hai bên không đưa ra tuyên bố chung cũng cho thấy căng thẳng vẫn còn âm ỉ và vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt liên quan đến việc triển khai THAAD.
Đúng hai năm sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ngày 4 và 5-12-2019, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện chuyến thăm Hàn Quốc. Đây được coi là tín hiệu tốt thể hiện nỗ lực và quyết tâm của hai bên nhằm khôi phục lòng tin hướng tới cải thiện quan hệ.
Việc Bắc Kinh và Seoul có những phát ngôn hòa giải cùng việc nhất trí giải quyết thỏa đáng vấn đề liên quan tới THAAD và các vấn đề khác để có thể nghiêm túc tôn trọng các lợi ích của nhau trong chuyến thăm này càng khẳng định dấu hiệu cải thiện quan hệ.
Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Seoul, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Seoul cùng nỗ lực vì hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Kang Kyung-wha, Bộ trưởng Vương Nghị cho rằng Trung Quốc và Hàn Quốc cần tăng cường các chuyến thăm lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp bảo vệ các quyền hợp pháp của hai nước, cũng như đóng vai trò "mang tính xây dựng" đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ông cũng chỉ trích chủ nghĩa đơn phương, coi đây là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới. Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc cam kết duy trì chủ nghĩa đa phương, cũng như các nguyên tắc đảm bảo công lý và công bằng.
Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố quan hệ hợp tác song phương thông qua tăng cường trao đổi cấp cao và liên lạc chặt chẽ hơn. Bà bày tỏ hy vọng hai nước có thể trao đổi quan điểm về các biện pháp tăng cường hợp tác thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, văn hóa và giao lưu nhân dân, cũng như trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình trong khu vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã tiến hành các cuộc hội đàm cấp bộ, với chương trình nghị sự bao gồm công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ba bên được lên kế hoạch giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bao trùm không gian thảo luận còn có các nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp nhau tại Thành Đô, Trung Quốc, vào cuối tháng này.
Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ở Nhà Xanh (tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đã đạt đến một giai đoạn rất quan trọng, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tiếp tục ủng hộ để đạt tiến bộ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo này.
Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác Seoul-Bắc Kinh trong việc đối phó với các thách thức an ninh và các thách thức khác.
Ông Moon cho biết: "Đối thoại và hợp tác mật thiết giữa hai nước sẽ là sức mạnh nhằm ổn định an ninh tại Đông Bắc Á và cùng nhau vượt qua giai đoạn bất trắc của nền kinh tế toàn cầu". Ông bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn sắp tới sẽ là một cơ hội để làm sâu sắc thêm quan hệ này.
Tổng thống Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn sớm gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cho biết ông có thể ghé thăm Bắc Kinh trên đường đến dự hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn. Nhà Xanh cũng thông báo ông Moon Jae-in hy vọng Chủ tịch Trung Quốc sẽ tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đến Hàn Quốc vào năm 2020 để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai bên.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhất trí cần "hợp tác kịp thời" giữa hai bên. Ông Vương Nghị nhận định cộng đồng quốc tế đang đối mặt với "mối đe dọa của chủ nghĩa đơn phương", đồng thời kêu gọi Trung Quốc và Hàn Quốc nên bảo vệ "chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do" bằng việc tăng cường hợp tác song phương "vào thời điểm thích hợp" và tuân thủ "các chuẩn mực quốc tế cơ bản".
Ông cũng cho rằng Hàn Quốc và Trung Quốc cần chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in tới Trung Quốc tháng này để sự kiện giúp cải thiện quan hệ song phương Trung-Hàn và đa phương Trung-Nhật-Hàn.
Trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ song phương, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí giải quyết thỏa đáng vấn đề liên quan tới THAAD và các vấn đề khác để có thể nghiêm túc tôn trọng các lợi ích của nhau.
Hàn gắn vì lợi ích chung
Chỉ trong vòng hai năm, việc Hàn Quốc và Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau đã cho thấy nỗ lực cải thiện quan hệ, cùng bắt tay nhau vì lợi ích chung đã mở ra một chặng đường mới trong lộ trình đưa quan hệ giữa hai quốc gia Đông Bắc Á trở lại đúng hướng.
Các chuyên gia phân tích nhận định, một yếu tố khá quan trọng đưa Hàn Quốc và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, đó là theo quan điểm của Seoul, Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một quốc gia láng giềng, có vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử, thương mại gắn bó lâu đời mà còn là một phần của bất kỳ giải pháp ngoại giao nào đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, vốn lâu nay được Hàn Quốc theo đuổi.
Đặc biệt, tình hình Bán đảo Triều Tiên thời gian qua luôn trong trạng thái “căng như dây đàn,” khi Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa, còn Mỹ để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực chống Triều Tiên nếu cần thiết, trong bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều bị đình trệ.
Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc và Trung Quốc - hai quốc gia láng giềng với Triều Tiên đều hiểu hậu quả khôn lường, cả đối với Seoul và Bắc Kinh nói riêng cũng như toàn khu vực Đông Bắc Á nói chung, trong trường hợp xung đột leo thang nghiêm trọng dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Phối hợp giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên vừa có thể tác động tới Triều Tiên, vừa phần nào giúp kiềm chế Mỹ.
Còn với Bắc Kinh, việc hàn gắn mối quan hệ với Seoul trong thời gian qua cũng là nhu cầu cấp thiết sau khi Trung Quốc phải nếm trải những tác động của loạt biện pháp trừng phạt mà nước này áp đặt, bởi Hàn Quốc là đối tác quan trọng cung cấp các nguyên liệu thô cùng với các trang thiết bị phục vụ sản xuất cho Trung Quốc. Hơn nữa, việc thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc có thể giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Theo TTXVN