Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết Brussels muốn đảm bảo việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt hiện có thay vì áp đặt thêm các hình phạt mới.
Dẫn lời các quan chức EU, báo Politico ngày 1,3 đưa tin EU đang chuyển hướng từ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sang tăng cường thực thi các biện pháp hiện có trong bối cảnh Brussels phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các thành viên của khối.
Cụ thể, các mặt hàng sót lại cho các biện pháp trừng phạt mới không còn nhiều, khiến các cuộc đàm phán về các lệnh trừng phạt tiếp theo ngày càng trở nên phức tạp. Một số thành viên EU cho rằng nếu như áp đặt lệnh trừng phạt đối với các mục tiêu còn lại, điều đó sẽ gây tổn hại cho EU nhiều hơn Nga.
David O'Sullivan, đặc phái viên của khối về thực thi các biện pháp trừng phạt, cho biết: “EU đã cực kỳ hiệu quả trong việc đưa ra 10 gói trừng phạt chưa từng có đối với Nga”.
Tuy nhiên, nhà chức trách chỉ ra rằng khối hiện phải tập trung vào việc thực hiện hiệu quả các biện pháp sẵn có bằng cách giải quyết những lỗ hổng tạo điều kiện cho hanh vi lách luật. Ông O’Sullivan cũng tiết lộ bản thân đã liên hệ với một số đối tác thương mại của Nga để tăng cường hơn nữa việc tuân thủ các gói trừng phạt.
“Tôi đã đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cùng với các đối tác Mỹ và Vương quốc Anh. Các chuyến thăm tiếp theo đang được thực hiện”, vị quan chức này lưu ý.
Cũng trong bài viết của mình, tờ Politico cho ra các biện pháp trừng phạt của phương Tây tỏ ra kém hiệu quả hơn so với mong đợi ban đầu của các quan chức EU, do giá trị xuất khẩu của Nga sang khối này tăng vọt vào năm 2022 so với năm trước nhờ giá cả năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao.
Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Goldman Sachs cho biết doanh thu từ dầu mỏ của Nga năm 2022 cao hơn nhiều so với báo cáo, do các nhà nhập khẩu dầu thô ngày càng trả nhiều tiền hơn cho mặt hàng này so với giá niêm yết. Điều này cũng khiến cho tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga giảm bớt.
Bất chấp lệnh cấm mở rộng đối với phụ tùng máy bay, hãng hàng không nhà nước Aeroflot của Nga vẫn tiếp tục bay với máy bay được sửa chữa và bảo dưỡng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại, EU vẫn tỏ ra chần chừ trong việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số lượng lớn hàng hóa Nga, bao gồm phân bón dùng trong nông nghiệp, kim loại hiếm dùng trong sản xuất ô tô, đồng vị phóng xạ được sử dụng trong ngành dược phẩm, urani và các thành phần khác cho lĩnh vực hạt nhân, titan trong sản xuất máy bay…
Chính bản thân EU cũng tồn tại nhiều kẽ hở để các bên có thể né tránh các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là miễn trừ cho Bulgaria, Slovakia và Hungary khỏi lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga. Theo các phương tiện truyền thông khác, một số quốc gia châu Âu đã thay thế nhập khẩu dầu thô trực tiếp của Nga bằng nguồn cung từ bên thứ 3 chịu trách nhiệm lọc dầu Nga cung cấp.
Theo Báo Tin tức