Mấy chục năm ròng người phụ nữ ấy vẫn một lòng thờ chồng, vượt qua mọi khó khăn nuôi con khôn lớn trưởng thành.
Chồng hy sinh tại chiến trường Campuchia khi bà mới 25 tuổi. Từ bấy đến nay, mấy chục năm ròng người phụ nữ ấy vẫn một lòng thờ chồng, vượt qua mọi khó khăn nuôi con khôn lớn trưởng thành.
Hạnh phúc ngắn ngủi
Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hợp ở thôn An Đoài, xã An Bình (Nam Sách). Năm 1977, được cha mẹ hai bên sắp đặt, bà kết hôn với ông Nguyễn Đình Đạo (khi ấy bà 23 tuổi, còn ông 21 tuổi). Cưới được 6 ngày, ông Đạo được gọi vào miền Nam và sau đó được điều động sang Campuchia.
Mấy chục năm ròng nhưng bà Hợp vẫn không nguôi nỗi nhớ thương chồng
6 ngày làm vợ chồng cộng thêm 2 lần ông về phép, bà đã mang thai. Có lẽ do linh cảm mách bảo, dù không biết bà mang thai, ông vẫn gửi về cho bà mấy bộ quần áo của trẻ sơ sinh. Đó cũng là hồi âm cuối bà nhận được từ ông. Đứa con trong bụng mỗi ngày một lớn thì những lá thư của chồng ngày càng bặt vô âm tín khiến bà Hợp rất lo lắng. Bà càng thêm hoang mang khi nghe người làng đồn đại rằng ông đã hy sinh. Tuy nhiên bà và gia đình vẫn nuôi hy vọng ông còn sống. Bà đã nhờ người quen thăm dò tin tức của ông bên Campuchia nhưng cũng không có kết quả.
Ít lâu sau, gia đình hai bên vui mừng khi bà sinh được người con trai kháu khỉnh, bụ bẫm. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, hai năm sau ngày ông đi, gia đình nhận được giấy báo tử. Chưa kịp hưởng hạnh phúc được làm mẹ thì bà Hợp đã phải đón nhận nỗi đau mất chồng. Bà nói: "Lúc ấy đầu óc tôi không nghĩ được gì nữa!". Giọt nước mắt lăn dài trên má, bà lặng đi...
"Còn chồng thì ở bên gia đình chồng còn suôn sẻ. Mất chồng rồi, khổ lắm, biết có ở nổi không? Đời mình sẽ ra sao? Rồi còn đứa con, biết lo cho nó thế nào, con đẻ ra không có bố sẽ thiệt thòi nhiều lắm", bà Hợp ngậm ngùi kể lại. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của hai mẹ con bà Hợp. Từ lúc chồng hy sinh, gánh nặng đè lên vai bà gấp nhiều lần: mất chồng coi như mất nửa phần đời của mình, mất đi chỗ dựa cho con. Vừa làm mẹ, bà vừa phải làm cha.
Thật không may, lên 5 tuổi con trai bà lại mắc bệnh thận nhiễm mỡ, quấy khóc ngày đêm. Bà đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, đã có lúc bà nghĩ "chắc con mình chết mất". Nhìn con trải qua nỗi đau thể xác, bà không cầm nổi nước mắt. Người thân, làng xóm khuyên bà đi bước nữa. Bà không chịu. Họ lại khuyên bà "kiếm" thêm một đứa con, chứ đứa con này bệnh tật một sống hai chết chẳng hy vọng gì, rồi bà sẽ trở thành tay trắng. Thời điểm đó có nhiều trai làng cũng muốn ngỏ ý với bà nhưng vì thương con, bà Hợp chẳng còn nghĩ gì cho riêng mình. Nghe mọi người khuyên vậy, lòng bà càng thêm đau nhói. Bà quyết tâm không đi bước nữa, cũng chẳng “kiếm” thêm con. "Nếu trời đuổi cùng bắt tận, bắt con tôi phải chết, có trắng tay tôi cũng cam chịu. Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ: bố nó đã hy sinh vì dân vì nước, giờ còn lại mỗi nó, lại ốm đau bệnh tật, tôi sẽ trụ lại ở với con, chữa cho con khỏi bệnh, nuôi con khôn lớn. Người ta có vợ có chồng làm ra bát cơm cho con ăn, thì tôi dù có một mình thật nhưng cũng sẽ làm ra được bát cháo cho con tôi".
Tấm gương cho con
Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ: bố nó đã hy sinh vì dân vì nước, giờ còn lại mỗi nó, lại ốm đau bệnh tật, tôi sẽ trụ lại ở với con, chữa cho con khỏi bệnh, nuôi con khôn lớn.
|
Bà lao vào làm như không biết mệt. "Còn đâu thời gian và hơi sức nghĩ đến những chuyện riêng tư", bà Hợp nói. Cấy lúa rồi nuôi bò, ai thuê gì bà làm nấy, công việc cứ quần quật cả ngày, chỉ lo làm sao có đủ tiền mua thuốc và mua thức ăn bồi bổ cho con. Cấy được bao nhiêu thóc bà đem bán cả, có khi thóc đem về chưa kịp đổ vào bồ đã phải bán hết để lấy tiền lo cho con. Bệnh tình của con trai bà mỗi ngày một nặng, phải bỏ học để đi chữa trị. Đôi chân bà đã cõng con đi không biết bao quãng đường, hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, chữa tây y rồi lại đông y. Bà xúc động nhớ lại: "Có lần đêm 30 Tết, nhà người ta thì đông đủ quây quần đón giao thừa, nhà mình thì hai mẹ con cõng nhau đi bệnh viện. Trong đêm, bước thấp bước cao mà lòng tủi cực vô cùng. Nhưng mẹ có con, con lấy mẹ làm chỗ dựa tinh thần, chúng tôi lại gắng gượng vượt qua".
Đúng như bà dự cảm, từ khi chồng mất, gia đình nhà chồng có phần hà khắc hơn, nhiều lần bà phải ôm con về bên ngoại ở nhờ. Những lúc đó bà chỉ mong có túp lều nho nhỏ để có chỗ cho hai mẹ con chui ra chui vào. Nghĩ vậy, bà Hợp bán hết số thóc mình có rồi vay gia đình bên ngoại mua được căn nhà cấp bốn trong làng để ra ở riêng. Căn nhà quá dột nát nên cứ trời mưa là hai mẹ con phải ngủ dưới gầm giường: "Con đỡ được một thời gian, tôi tích cóp chút tiền cộng thêm người thân, bạn bè hỗ trợ, cố gắng xây lại căn nhà cho đỡ khổ. Nhưng vừa xong công đoạn chồng mộc thì cháu nó lại trở bệnh lần nữa. Tôi bỏ dở căn nhà đang xây để đưa cháu đi bệnh viện. Sau khi cháu đỡ hẳn và được về nhà, mẹ con tôi dần dà mới lại trát tiếp ngôi nhà", bà Hợp nhớ lại. Trong khó khăn, bà không quên trọng trách dạy con những điều hay lẽ phải, biết tự trọng, "đói cho sạch rách cho thơm"...
Có lẽ ông trời cũng thương, người con trai của bà Hợp lớn lên ngoan ngoãn, thương mẹ, bệnh tình của anh ngày một thuyên giảm, sức khỏe hồi phục dần, đi làm được. Hiện con trai bà đang là công nhân của Công ty CP Thép Hoà Phát (Kinh Môn), đã có gia đình và 2 đứa con. Mẹ con bà đã trả hết nợ nần, xây được căn nhà khang trang, rộng rãi. Bà con lối xóm ai cũng mừng cho mẹ con bà Hợp. Bà Nguyễn Thị Phụ, Bí thư Chi bộ thôn An Đoài nhận xét: "Bà Hợp là tấm gương người vợ, người mẹ giàu đức hy sinh, giàu nghị lực. Từ khi chồng mất, tuy gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng bà Hợp luôn phấn đấu vươn lên”.
Tuổi lục tuần với nhiều người là tuổi nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu. Nhưng bà Nguyễn Thị Hợp thì vẫn không chịu ngơi tay. Bà quan niệm: "Lúc nào mình cũng phải sống đàng hoàng, sống sao cho xã hội còn nhìn vào". Ngoài tiền tuất liệt sĩ của chồng, bà cấy 5 sào lúa và làm nông giang cho thôn để có thêm thu nhập. Nhiều người động viên bà không làm nữa nhưng bà bảo: "còn khỏe còn làm", "làm để đỡ đần con". Ngoài việc cấy hái, ruộng vườn, bà Hợp còn tham gia các công tác xã hội ở địa phương. Là cán bộ phụ nữ thôn, bà tích cực giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo làm thủ tục vay vốn, xây nhà tình nghĩa...
Sau cuộc chiến, những tấm gương phụ nữ thủy chung, một lòng thờ chồng nuôi con như bà Hợp không phải là hiếm. Nhưng so với nhiều người phụ nữ khác, hoàn cảnh của bà Hợp có phần éo le hơn, thử thách bà phải vượt qua không hề nhỏ. Chính vì vậy, thành quả của mẹ con bà hôm nay lại càng đáng trân trọng, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của người chồng, người cha năm xưa.
LÊ HƯƠNG