Việc tử tế

Trợ lực để thoát nghèo

BẢO ANH 09/12/2023 10:00

Nhờ vốn chính sách ưu đãi, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo của Hải Dương đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tìm hướng thoát nghèo bền vững.

vay-von.png
Năm 2023, Hải Dương có gần 900 hộ nghèo và hơn 1.300 hộ cận nghèo được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội

Nguồn vốn nhỏ, ý nghĩa lớn

Chị B.T.H. ở xã Hoàng Hoa Thám (TP Chí Linh) được vay vốn tín chấp dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã phấn khởi khoe: “Đợt này tôi trả nốt lãi và gốc là hết nợ ngân hàng. Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà tôi có tiền đầu tư mở trang trại nuôi gà. Đàn gà vừa bán thừa tiền trả lãi và gốc. Số tiền còn lại tôi dự định đầu tư xây thêm chuồng trại, nhân giống gà mới”.

Theo chị Chế Thị Thu Hoàn, công chức văn hóa - xã hội xã Hoàng Hoa Thám, thời gian qua, không ít hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã đã được vay vốn tín chấp qua các đoàn thể để đầu tư lập trang trại, mở xưởng sản xuất, phát triển kinh tế đồi rừng, từ đó thoát nghèo. Năm 2023, xã chỉ còn 9 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 1,02%.

img_0511.jpg
Thông qua vay vốn chính sách, các hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Tứ Kỳ mạnh dạn phát triển mô hình trồng khoai tây liên kết hiệu quả

Được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo hiệu quả, năm nay huyện Tứ Kỳ tích cực triển khai đưa vốn chính sách đến từng hộ nghèo và hộ cận nghèo, giúp họ có bước đệm thoát nghèo bền vững. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chủ động phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, hỗ trợ đưa vốn chính sách đến người nghèo nhanh chóng, đồng thời tư vấn cách làm ăn, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Năm 2023, toàn huyện Tứ Kỳ có 305 hộ nghèo và 632 hộ cận nghèo được vay vốn chính sách với tổng dư nợ gần 60 tỷ đồng.

“Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều người nghèo mạnh dạn thay đổi tư duy phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm mà không ít hộ đã thoát được nghèo”, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện khẳng định.

Năm 2023, huyện Tứ Kỳ chỉ còn 728 hộ nghèo, chiếm 1,21% tổng số hộ của huyện, giảm 0,09% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm và giảm 0,13% so với năm 2022. Số hộ cận nghèo còn 1,99%, đạt mục tiêu đề ra đầu năm là dưới 2%.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của nhiều địa phương trong tỉnh giảm sâu cũng có một phần hỗ trợ hiệu quả từ nguồn vốn chính sách. Ngoài sự nỗ lực của các hộ nghèo và cận nghèo thì vốn chính sách thực sự là “chìa khóa”, trợ lực để người nghèo có cơ hội tăng thu nhập, từ đó thoát nghèo. Nhiều hộ nhờ vốn chính sách ưu đãi không những thoát nghèo còn mạnh dạn nghĩ cách làm giàu.

Tiếp tục là bà đỡ

von-chinh-sach.png
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ người nghèo với Ủy ban MTTQ TP Hải Dương (ảnh cơ sở cung cấp)

Theo tổng hợp của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh có gần 900 hộ nghèo vay vốn chính sách ưu đãi với tổng tiền hơn 66 tỷ đồng và hơn 1.300 hộ cận nghèo vay với tổng số tiền hơn 101 tỷ đồng.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương rà soát kịp thời những hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho họ tiếp cận và sử dụng vốn vay nhanh chóng, hiệu quả. Thông qua các phiên giao dịch trực tiếp, cán bộ các Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo để họ không ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thoát nghèo… Chất lượng tín dụng cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo của Hải Dương luôn bảo đảm, nợ quá hạn ít.

Năm 2023, lần đầu tiên Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh ký kết hợp tác với Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện các chương trình giảm nghèo với phương châm “Không để ai ở lại phía sau”, đồng vốn nhỏ, hiệu quả lớn. Thông qua chương trình phối hợp này, nguồn vốn chính sách ưu đãi tiếp tục được khơi thông và góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo của tỉnh.

Ông Vũ Trí Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trao “cần câu”, giúp nhiều hộ nghèo thêm điểm tựa tài chính vững chắc để tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Nhiều hộ mới thoát nghèo cũng được vay vốn để nuôi khát vọng làm giàu, không tái nghèo. Đặc biệt, vốn chính sách còn trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn tác động tiêu cực của “tín dụng đen” đến đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là ở các vùng nông thôn.

Nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo và cận nghèo của Hải Dương có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tương thân, tương ái. Khi người nghèo có vốn cộng với ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên họ sẽ phấn đấu thoát nghèo bền vững.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trợ lực để thoát nghèo