Mường Phăng cùng với di tích đồi A1, cầu Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo... đã trở thành địa danh ghi dấu chiến thắng oanh liệt của dân tộc, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp.
Mường Phăng là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ
Những ngày này, khu di tích Mường Phăng ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đón hàng nghìn lượt du khách tới tham quan. Trong đó, có nhiều người là chiến sĩ Điện Biên về thăm lại chiến trường xưa.
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc quần thể Di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ nằm giữa khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, xã Mường Phăng. Nơi đây 65 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công quyết định thắng lợi của chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Với những người chiến sĩ Điện Biên, giờ đều đã ở tuổi "mắt mờ, chân chậm" nhưng niềm vui được thăm lại chiến trường xưa hiện lên trên từng khuôn mặt họ. Nhớ những ngày tháng chiến đấu gặp nhiều hiểm nguy nhưng hào hùng, Đại tá Hà Ngọc Thanh quê ở TP Nam Định bùi ngùi xúc động: "Tôi là người đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc Tiểu đoàn pháo cao xạ 367. Ngày đó, để đưa được xe pháo đến đích bí mật và an toàn, chúng tôi phải hành quân trên những con đường rất khó đi. Xe pháo đều phải chạy đêm, không được bật đèn pha. Đã thế phải qua 2 con sông lớn, nhiều đèo cao, suối sâu, máy bay địch thường xuyên ném bom phá đường... nhưng được sự quan tâm, động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 56 ngày đêm chiến đấu, đoàn pháo cao xạ 367 của chúng tôi đã bắn rơi nhiều máy bay của địch. Năm nay, tôi đã 90 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi phải trở về đây, thăm lại chiến trường xưa để tìm về với ký ức hào hùng của một thời chiến đấu oanh liệt không thể nào quên trong cuộc đời mình. Như vậy, tôi đã quá mãn nguyện”.
Dòng người về với Mường Phăng trong những ngày tháng 5 lịch sử
Cựu chiến binh Lê Ngọc Thanh cho biết đây là lần đầu tiên ông cùng đoàn cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Không chỉ cảm nhận khí hậu trong lành của khu rừng nguyên sinh người dân bản địa đã gìn giữ bảo vệ mà ông còn bồi hồi xúc động, ấn tượng về những di tích tái hiện rõ nét chiến trường xưa, giúp mỗi người thấy được những hy sinh lớn lao của thế hệ trước đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Dù không tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng những cựu chiến binh quê Hải Dương đều cảm nhận được sự khốc liệt mà 65 năm trước, nhiều người lính thế hệ cha anh họ đã ngã xuống để làm nên chiến thắng lịch sử. Trung tá Nguyễn Đức Hạnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Tôi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hôm nay đến thăm chiến trường Điện Biên Phủ, đặc biệt là Mường Phăng, tôi thấy rất vui vì những chiến tích năm xưa được giữ gìn và bảo vệ song hành cùng sự phát triển của đất nước, của tỉnh Điện Biên. Nhờ đó, các thế hệ trẻ Việt Nam đến thăm chiến trường xưa sẽ học tập thế hệ cha ông, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của quê hương mà ông cha ta đã bỏ xương máu để giành độc lập".
Đại tá Hà Ngọc Thanh, chiến sĩ Điện Biên thăm lại chiến trường xưa
Khu di tích Mường Phăng hiện còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu như lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; lán làm việc của Trưởng Ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy... Trải qua nhiều lần tu sửa, trùng tu song di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, mang đậm dấu ấn chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc.
Các cựu chiến binh người Hải Dương thăm căn hầm nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc
Chiến tranh đã lùi xa nhưng với những người lính thì chiến thắng 65 năm về trước vẫn còn in đậm trên mảnh đất Mường Phăng. Mường Phăng cùng với di tích đồi A1, cầu Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo... đã trở thành địa danh ghi dấu chiến thắng oanh liệt của dân tộc, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp.
HUYỀN ANH