Trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án cố ý gây thương tích tại TAND huyện Tứ Kỳ hồi tháng 10.2019, HĐXX đã tuyên bị cáo V.V.T. (SN 2001, ở xã Cộng Lạc, Tứ Kỳ) 54 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.
Trợ giúp viên pháp lý đã góp phần hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ việc công bằng, nghiêm minh hơn
Bị cáo T. phải bồi thường cho bị hại hơn 88 triệu đồng. So với mức án mà đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện đề nghị, mức án tòa tuyên thấp hơn 3 tháng. Mức bồi thường cho bị hại cũng giảm gần 165 triệu đồng so với mức bồi thường mà bị hại, luật sư của bị hại đã đưa ra. Kết quả này có sự đóng góp của trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh.
T. gây án khi mới 17 tuổi. Vì mâu thuẫn từ trước, 4 thanh niên trong đó có T. đã chửi bới, xô xát, đánh ông Đ. (sinh năm 1970, ở thôn An Quý, xã Nguyên Giáp, Tứ Kỳ). 3 thanh niên kia đã ném gạch vào nhà ông Đ. Riêng T. đã ném gạch vào mắt phải ông H. (là hàng xóm của ông Đ.) khiến ông H. bị thương, tỷ lệ tổn thương cơ thể 58%.
Bào chữa cho bị cáo T, trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị tòa xem xét những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xem xét về nhân thân, hoàn cảnh gia đình bị cáo. Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích, đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận những yêu cầu hợp lý về chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất... và khoản bồi thường tổn thất về tinh thần cho bị hại. Những yêu cầu không hợp lý như tiền xe đi lại, tiền thuê luật sư, tiền phẫu thuật thẩm mỹ... đề nghị không chấp nhận.
Tại phiên xét xử của Tòa án Nhân dân huyện Thanh Hà ngày 22.11.2019, trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xem xét đến nhân thân và hoàn cảnh gia đình của bị cáo C.V.M. (sinh năm 1984, ở khu 4, thị trấn Thanh Hà), M. thuộc hộ nghèo. Kết thúc, tòa tuyên phạt bị cáo M. 13 tháng tù, miễn hình phạt bổ sung phạt tiền đối với bị cáo.
Trong những vụ trên, trợ giúp viên pháp lý đã tham gia góp phần xác định sự thật khách quan của các vụ án, tránh làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời góp phần hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ việc công bằng, nghiêm minh.
Những năm qua, công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Năm 2019, toàn tỉnh đã TGPL trong hoạt động tố tụng 233 vụ việc, tăng 44 vụ so với năm 2018, tăng 106 vụ so với năm 2017. Trong đó có 173 vụ việc hình sự, 57 vụ việc dân sự, 3 vụ việc hành chính.
Nhiều cơ quan tiến hành tố tụng đã quan tâm, giới thiệu các đối tượng là người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, người chưa thành niên, trẻ em là người bị hại trong các vụ án hình sự... để Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia vào các giai đoạn tố tụng, bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng duy trì thông báo, thông tin vụ việc TGPL đến Trung tâm TGPL trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư trong quá trình tham gia tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Theo bà Phạm Hương Lan, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng đã tích cực triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29.6.2018. Các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành gồm Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân chỉ đạo, hướng dẫn theo ngành dọc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp về TGPL. Đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, bồi dưỡng, tập huấn Luật TGPL năm 2017 và các văn bản liên quan cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký tòa án và nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng của các cơ quan, người tiến hành tố tụng và nâng cao nhận thức của nhân dân về TGPL… Nhờ đó, hoạt động TGPL ngày càng hiệu quả.
HÀ NGA