Theo nhiều chuyên gia, Điện Kremlin và chính quyền Bắc Kinh muốn Mỹ hiểu rằng các biện pháp xử lý vấn đề Triều Tiên cần mang tính xây dựng, “có đi có lại”.
Các cường quốc Mỹ, Nga, Trung đang dùng "quân bài" Triều Tiên để tranh giành ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực Đông Bắc Á
Bắc Kinh và Moscow đồng quan điểm khi chia sẻ lợi ích chiến lược về vấn đề kìm chế tham vọng hạt nhân Triều Tiên, cùng tránh nguy cơ đối đầu quân sự khu vực hay sự sụp đổ của chế độ Kim Jong-un. Tuy nhiên, theo nhận định từ nhiều chuyên gia, Trung Quốc và Nga đều cùng cho rằng sẽ là phi thực tế nếu Mỹ ép buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy “cởi trói cấm vận”.
Khi Nga-Trung liên thủ
Những diễn biến tích cực trong quan hệ Mỹ-Triều thời gian qua, đặc biệt là sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Trump - Kim hồi tháng 6 tại Singapore ít nhất đủ cho thấy căng thẳng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên phần nào được xoa dịu. Nhưng liệu đây có phải lộ trình mà Nga-Trung mong muốn? Theo một số nhà phân tích, một mặt Bắc Kinh và Moscow có thể cùng hướng tới vai trò trung gian trong việc kìm hãm chương trình hạt nhân Triều Tiên, đổi lấy việc dừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn thường niên. Mặt khác, Trung Quốc và Nga hồi tháng 9 vừa qua cùng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nới lỏng các lệnh trừng phạt đang nhằm vào Triều Tiên. Cả Trung Quốc và Nga cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm gửi tín hiệu tích cực đến Triều Tiên, khuyến khích Bình Nhưỡng trong việc giải giáp vũ khí.
Tuy nhiên, động thái “liên thủ Nga-Trung” sẽ xung đột trực tiếp với quan điểm từ chính quyền Donald Trump. Nhà Trắng luôn duy trì quan điểm cứng rắn trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên, theo đó, lệnh trừng phạt phải được duy trì cho đến khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được.
Trong bối cảnh né tránh xung đột quân sự với Triều Tiên là một trong những trọng tâm trong chiến lược ngoại giao từ cả Bắc Kinh và Moscow, nhiều ý kiến cho rằng cả hai siêu cường này dường như sẵn sàng “thách thức” Mỹ trên một số điểm nóng khu vực.
Trung Quốc “mắc kẹt” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ kể từ mùa thu 2018. Trong khi đó, Nga hiện hứng chịu một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế kể từ hồi tháng 8 vừa qua từ Mỹ và đồng minh liên quan đến vấn đề sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Cả Trung Quốc và Nga đều có lý do “xích lại gần nhau”, ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì trừng phạt hiện phương Tây đang nhằm vào Bình Nhưỡng. Nga-Trung dường như đang cùng “chung chiến hào” trong việc hỗ trợ một trật tự thế giới đa cực, chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.
Vòng đàm phán ba bên Nga-Trung-Triều gần đây nhất đã củng cố một thông điệp rằng Mỹ không phải bên có thể quyết định tất cả. Theo nhiều chuyên gia, Điện Kremlin và chính quyền Bắc Kinh muốn Mỹ hiểu rằng các biện pháp xử lý vấn đề Triều Tiên cần mang tính xây dựng, “có đi có lại”.
Thế cờ khó của chính quyền Donald Trump
Không thể phủ nhận rằng Nga là siêu cường có vai trò và tầm ảnh hưởng rất lớn đối với không chỉ những vấn đề khu vực mà còn về vấn đề an ninh toàn cầu. Sẽ là sai lầm nếu Washington đánh giá thấp “quyền lực Nga” đối với vấn đề Triều Tiên.
Điện Kremlin đã triển khai những tiếp xúc ở cấp độ ngoại giao với Bình Nhưỡng, tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh Putin-Kim. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan, Nga đã gây chú ý với sự góp mặt của Tổng thống Vladimir Putin.
Việc ông chủ Điện Kremlin dự sự kiện thay cho Thủ tướng Medvedev như thường lệ khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhìn tổng thể, loạt động thái gần đây của Moscow rõ ràng thể hiện nỗ lực đẩy mạnh “xoay trục” của Nga sang khu vực châu Á. Moscow hoàn toàn có thể trở thành “vật cản” trong chính sách Mỹ dưới thời Donald Trump đối với vấn đề Triều Tiên.
Về phía Trung Quốc, sau khi mối quan hệ có phần rạn nứt trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh thời gian qua đã có nhiều động thái củng cố quan hệ lịch sử từng được ví là "môi hở răng lạnh". Trọng tâm phát triển nền kinh tế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể mang lại lợi ích đôi bên cho Trung Quốc và Triều Tiên. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang cách mạng hóa thương mại ở châu Á với sáng kiến "Vành đai và Con đường". Trung Quốc sẽ hài lòng nếu Triều Tiên gắn chính sách kinh tế với Trung Quốc, mở ra mối quan hệ thương mại dự kiến sẽ phát triển mạnh.
Những nỗ lực gần đây của Nga và Trung Quốc là tín hiệu cho thấy cách tiếp cận đơn phương trong vấn đề Triều Tiên của Mỹ rất ít có triển vọng. Nhiều ý kiến cho rằng Nhà Trắng nên xem xét vấn đề Triều Tiên theo cách tiếp cận song phương Mỹ-Trung và Mỹ-Nga. Đồng thời cần tránh gây ra những hậu quả địa chính trị không đáng có, khiến Nga và Trung Quốc “xích lại” gần nhau hơn. Bởi rõ ràng, cả Moscow lẫn Bắc Kinh đều khó có thể “khoanh tay” trước những động thái giúp Mỹ tăng cường ảnh hưởng tại bán đảo Triều Tiên, rộng hơn là khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng của mối quan hệ “tay ba” Mỹ-Trung-Nga bởi các lợi ích chiến lược đan xen.
Suy cho cùng, cuộc chơi giữa những siêu cường Nga, Trung Quốc và Mỹ trên thế cục hạt nhân Triều Tiên sẽ cần nhiều thời gian để quan sát. Song, sự thay đổi mối quan hệ Mỹ-Triều hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên chắc chắn không thể thiếu Nga và Trung Quốc.
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)