Đại sứ Kim Song cho rằng "cuộc đối thoại được duy trì liên tục và quan trọng" mà Mỹ tìm kiếm chỉ là cách để Washington tiết kiệm thời gian để mang lại lợi ích chương trình nghị sự trong nước.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song. Nguồn: Yonhap/TTXVN
Ngày 7.12, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song khẳng định vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị rút khỏi các cuộc đàm phán với Mỹ, đồng thời cho rằng những cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết.
Trong một tuyên bố, Đại sứ Kim Song cho rằng "cuộc đối thoại được duy trì liên tục và quan trọng" mà Mỹ tìm kiếm chỉ là cách để Washington tiết kiệm thời gian để mang lại lợi ích chương trình nghị sự trong nước.
Bên cạnh đó, Đại sứ Triều Tiên cũng phản đối tuyên bố của các thành viên châu Âu trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các vụ phóng vừa qua của Bình Nhưỡng.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bỉ, Estonia, Pháp, Đức, Ba Lan và Anh lên án việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, đồng thời kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Theo thống kê, Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ phóng tên lửa đạn đạo kể từ tháng 5 vừa qua.
Thời gian gần đây, Triều Tiên gần đây cảnh báo sẽ nối lại các cuộc thử nghiệm vũ khí nếu các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa không đạt đột phá trước khi hết năm 2019.
Bình Nhưỡng kêu gọi Washington từ bỏ "chính sách thù địch" và ngừng đưa ra các yêu cầu một phía, song phía Mỹ không có dấu hiệu đáp ứng.
Chuyên gia Jenny Town của trang 38 North, trang mạng chuyên giám sát các hoạt động trong lãnh thổ Triều Tiên, nhận định trong bối cảnh hạn chót đang tới gần, những thông điệp cứng rắn của kiểu này của Triều Tiên đang xuất hiện ngày càng nhiều và có thể nhằm giành lấy sự nhượng bộ ở phút cuối.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình Triều Tiên, đồng thời nêu rõ quan hệ hai bên vẫn tốt đẹp dù vẫn có sự đối đầu nhất định.
Do đó, ông bày tỏ tin tưởng rằng Triều Tiên sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ rất ngạc nhiên nếu Bình Nhưỡng có hành động thù địch.
Năm 2017, tình trạng căng thẳng cao độ giữa Mỹ và Triều Tiên đã xảy ra khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên đe dọa và chỉ trích lẫn nhau, tạo ra một bầu không khí như "thùng thuốc súng" trên bán đảo Triều Tiên.
Nhiều cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đã diễn ra trong năm 2018 và 2019, cùng với đó là việc Triều Tiên ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, có rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai vào tháng 2 vừa qua tại Hà Nội.
Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên gia mới nhất tại Stockholm (Thụy Điển) tháng 10 song đổ bể, với việc Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đã không đưa ra đề xuất mới.
Theo TTXVN