Quân đội Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã bắn hơn 60 quả đạn pháo gần ranh giới trên biển giữa hai nước hôm nay 6/1.
Theo hãng tin Reuters, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã bắn hơn 60 quả đạn pháo xung quanh khu vực tây bắc đảo Yeonpyeong trong khoảng thời gian từ 16 - 17 giờ chiều 6/1 (giờ địa phương).
Phía Hàn Quốc nói "mạnh mẽ thúc giục" Triều Tiên dừng các hành động đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và dừng làm leo thang căng thẳng.
Hãng tin Yonhap dẫn thông tin từ JCS cho biết các quả đạn pháo đã rơi xuống khu vực phía bắc Đường giới hạn phía bắc (NLL), vốn được coi là ranh giới trên biển giữa hai nước ở Hoàng Hải.
Tuy nhiên, không giống như phản ứng hôm 5/1, quân đội Hàn Quốc không có kế hoạch khai hỏa trên biển để đáp trả hành động của Triều Tiên.
Vụ việc trên diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên bắn hơn 200 quả đạn pháo gần đảo Yeonpyeong và Baengnyeong, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Hai đảo có dân cư thưa thớt này nằm ngay phía nam NLL. Cư dân của hai hòn đảo đã nhận lệnh sơ tán theo yêu cầu từ phía Hàn Quốc.
Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng kể từ khi Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên Malligyong-1 (Kính Vạn Lý số 1) vào ngày 21/11/2023 mà nước này cho biết được thiết kế để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.
Để phản đối vụ phóng này, Seoul đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 và cho biết họ sẽ tăng cường giám sát dọc biên giới. Đáp trả, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ từ bỏ thỏa thuận này và khôi phục mọi hoạt động quân sự vốn bị tạm dừng theo thỏa thuận.
Lúc đó, theo báo The Hankyoreh (Hàn Quốc), giới quan sát dự đoán Triều Tiên sẽ khôi phục các cuộc tập trận quân sự vốn đã tạm dừng trước đây xung quanh Đường ranh giới quân sự (MDL) và phô diễn sức mạnh quân sự sau khi hủy thỏa thuận quân sự liên Triều.
Về hoạt động trên biển, Triều Tiên có thể sẽ triển khai pháo và tàu chiến ven biển xung quanh NLL và nối lại các cuộc tập trận trên biển.
Giáo sư Koh Yu Hwan tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc) nhận định: "Nơi dễ xảy ra xung đột trực tiếp nhất là ở vùng biển phía tây này, nơi căng thẳng có nguy cơ leo thang từng bước một".
Theo Tuổi trẻ