Tin tức

Phản ứng của Mỹ - Nhật - Hàn về vụ Triều Tiên phóng vệ tinh

Theo TTXVN 22/11/2023 09:51

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết ngày 22/11, nước này cùng Mỹ và Nhật Bản đã chia sẻ thông tin về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên trước đó 1 ngày.

Chú thích ảnh
Tên lửa đẩy "Chollima-1” mang theo vệ tinh trinh sát “Malligyong-1” rời bệ phóng tại Bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, Triều Tiên ngày 21/11/2023. Ảnh: KCNA/TTXVN

Trong thông cáo báo chí, JCS nêu rõ: “Chúng tôi đã ngay lập tức phát hiện, theo dõi và giám sát vụ phóng, đồng thời chia sẻ thông tin liên quan giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, cũng như đang phân tích toàn diện các chi tiết". JCS cho biết 3 nước có một tàu khu trục Aegis, được trang bị radar, tầm phát hiện hơn 1.000 km sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biển do mỗi nước chỉ định để theo dõi chung. Theo một quan chức quân sự, đây không phải là hoạt động chia sẻ thông tin theo thời gian thực vì hệ thống này dự kiến bắt đầu triển khai vào tháng 12 tới.

Trước đó, Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ quốc gia Triều Tiên (NATA) thông báo đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là “Chollima-1” mang theo vệ tinh trinh sát “Malligyong-1” từ bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, lúc 22h42 ngày 21/11 (20h42 cùng ngày theo giờ Hà Nội). Vụ phóng được tiến hành sau hai lần thất bại vào tháng 5 và tháng 8. Theo KCNA, tên lửa đẩy Chollima-1 đã di chuyển một cách bình thường dọc theo đường bay định sẵn và đưa vệ tinh trinh sát Malligyong-1 chính xác vào quỹ đạo lúc 22h54.

Hiện JCS vẫn chưa xác nhận liệu vệ tinh này đã đi vào quỹ đạo hay chưa. JCS tuyên bố sẽ duy trì khả năng và sẵn sàng "đáp trả".

Trong một diễn biến liên quan, các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc điện đàm sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh mà 3 nước cho là vệ tinh quân sự.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đặc phái viên của nước này về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, ông Kim Gunn đã điện đàm với những người đồng cấp Mỹ Jung Pak và Nhật Bản Hiroyuki Namazu. Tại cuộc điện đàm, các quan chức đã phản đối vụ phóng của Triều Tiên, bày tỏ quan ngại khi Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng sớm hơn 1 giờ so với thời điểm thông báo trước đó, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sự an toàn của máy bay và tàu thuyền.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Nhà Trắng đã bày tỏ quan ngại vụ phóng trên, cho rằng vụ phóng có thể “làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ gây bất ổn an ninh trong khu vực”.

Theo TTXVN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phản ứng của Mỹ - Nhật - Hàn về vụ Triều Tiên phóng vệ tinh