Những ngày này, hàng triệu người dân Việt Nam cùng tưởng nhớ về nguồn cội.
Dường như ai ai cũng muốn thắp nén tâm nhang để tạ ơn công lao dựng nước Văn Lang lớn lao như biển trời của các Vua Hùng và người dân Việt cổ hàng nghìn năm trước. Giữa bộn bề cuộc sống, mỗi người dân vẫn ghi lòng tạc dạ: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba/Dù ai buôn bán gần xa/Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba mùng mười”.
Hai tiếng đồng bào (cùng một bọc trứng) hôm nay làm chúng ta hồi tưởng về câu chuyện được truyền khẩu từ mấy nghìn năm trước: Lạc Long Quân và Âu Cơ kết nghĩa vợ chồng, sinh được một bọc 100 trứng, nở ra 100 người con trai. Sau này, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi. Âu Cơ cùng 50 người con lên đất Phong Châu (tỉnh Phú Thọ ngày nay), tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang.
Các kết quả nghiên cứu hiện đại nhất, đáng tin cậy của sử học ngày nay đã chứng minh rằng thời Hùng Vương thuộc thời đại kim khí, tuy chưa thể xác định được thời điểm khởi đầu, song thời gian kết thúc vào khoảng thế kỷ III trước Công nguyên khi nước Âu Lạc được thành lập thay thế cho nước Văn Lang. Các Vua Hùng và cư dân Việt cổ cư trú trên vùng đất mà ngày nay là Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nước ta và một phần phía nam tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc). Cư dân khi ấy là một cộng đồng đa tộc người, cuối thời Hùng Vương có khoảng 1 triệu người. Các Vua Hùng đã lãnh đạo người dân Việt cổ cùng nhau khai khẩn đất đai để trồng lúa, phòng chống thiên tai, bảo vệ mùa màng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản. Nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như luyện kim đồng, đan lát, dệt, sơn, mộc… đã xuất hiện. Cả cộng đồng thắt chặt đoàn kết để tổ chức sản xuất, bảo vệ Nhà nước non trẻ trước sự xâm lược của ngoại bang. Thời đại các Vua Hùng là một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc, xác lập lối sống, truyền thống Việt Nam, đặt cơ sở vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia - dân tộc sau này.
Qua mỗi thời kỳ lịch sử, dân tộc ta luôn kế thừa, phát huy những truyền thống quý báu từ thời các Vua Hùng, mà nổi bật nhất là tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Đó chính là một nguồn sức mạnh vô biên để Việt Nam giành lại độc lập, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, lần lượt đánh bại các cuộc xâm lăng từ phương Bắc, phương Tây. Truyền thống đó là lực đẩy để đất nước vượt qua vô vàn gian khó, đổi mới thành công, từ một nước nghèo đói đã trở thành một nước phát triển năng động với thu nhập trung bình.
Thời đại ngày nay, thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, cuộc cách mạng 4.0 lan tỏa mạnh mẽ. Mặc dù hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn song xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, chủ nghĩa khủng bố vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt và bức thiết khác như biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đất nước ta tuy đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới, thế và lực ngày càng lớn mạnh, song các thách thức, chướng ngại cũng không nhỏ. Đó là “quốc nạn” tham nhũng còn nhức nhối, cải cách hành chính còn nhiều điểm tắc nghẽn, hệ thống chính trị còn cồng kềnh; nhiều tiềm năng, nội lực của đất nước chưa được phát huy, nạn “chảy máu” chất xám vẫn tiếp diễn…
Trước khó khăn, chúng ta lại càng cần nêu cao, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết khởi nguồn từ thời Hùng Vương để kết nối trái tim, khối óc nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng đưa đất nước đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
NINH TUÂN