Triệt phá đường dây làm giấy tờ, bằng cấp giả

13/12/2020 10:07

Với thủ đoạn tinh vi, Phạm Đăng Khương ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đã cấu kết với một số đối tượng làm giả đủ loại giấy tờ, bằng cấp, thu lợi hàng trăm triệu đồng.


Các loại giấy tờ, bằng cấp giả được Cơ quan An ninh điều tra thu giữ

Tháng 5.2020, từ thông tin của nhiều đơn vị nghiệp vụ phát hiện trong tỉnh có đường dây mua bán các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ, giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân, căn cước công dân và các loại giấy tờ khác của cơ quan nhà nước, lãnh đạo Công an tỉnh giao Phòng An ninh điều tra phối hợp với các đơn vị tiến hành xác minh, đấu tranh, triệt phá.

Thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng

Sau khi nắm rõ quy luật hoạt động của các đối tượng, ngày 8.7.2020, Cơ quan An ninh điều tra đã bắt quả tang Phạm Đăng Khương (36 tuổi, trú tại thôn Quý Dương, xã Tân Trường, Cẩm Giàng) đang mang một số bằng cấp giả đi tiêu thụ. Qua đấu tranh khai thác, cơ quan chức năng ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với các tên Ngô Hùng Phúc (55 tuổi, ở TP Vĩnh Long) và Huỳnh Mạnh Dũng (35 tuổi, trú tại phường 14, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Đây là các đối tượng cung cấp giấy tờ giả cho Khương.

Không có nghề nghiệp ổn định, để có tiền tiêu xài, các đối tượng thông qua mạng internet tìm kiếm đầu mối cung cấp các giấy tờ, bằng cấp giả. Chúng lập các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng cáo, rao bán các giấy tờ, bằng cấp giả. Khi có khách liên hệ đặt mua qua các tài khoản trên trang mạng xã hội, Khương nhận thông tin, yêu cầu rồi chuyển cho các đối tượng trên để làm. Nhằm hạn chế việc lộ lọt thông tin, khó phát hiện, Khương giao giấy tờ, bằng cấp giả cho khách hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện. Khương sử dụng sim điện thoại rác, chứng minh nhân dân giả, tài khoản ngân hàng mang tên người khác mà y mua được trên internet để liên hệ, giao dịch và nhận tiền của người mua. Khương mua của rất nhiều đầu mối, trong đó có Phúc, giá mỗi loại giấy tờ, bằng cấp từ 400.000 - 600.000 đồng và bán lại từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã xác định Khương mua và bán hàng trăm tài liệu giả, thu lời bất chính hơn 300 triệu đồng.

Hoạt động trên phạm vi rộng

Phúc là một trong những đối tượng đầu trên của Khương. Từ tháng 5.2019, Phúc thuê người làm giả chứng minh nhân dân mang tên người khác nhưng dán ảnh của mình để mở tài khoản ngân hàng, sử dụng Zalo, cùng các số điện thoại rác trao đổi, nhận đặt làm và nhận tiền thanh toán làm các loại giấy tờ giả của các đầu mối dưới. Khi người mua liên hệ, Phúc gửi thông tin của khách hàng qua Zalo cho đầu mối để đặt làm giấy tờ giả từ 300.000 - 400.000 đồng/giấy tờ. Sau đó, Phúc thuê Dũng và một số đối tượng khác đi giao hàng trực tiếp hoặc qua các bưu cục, xe khách cho người đặt mua. Ngoài cung cấp cho Khương, Phúc còn cung cấp cho rất nhiều đầu mối khác ở TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... với hàng nghìn tài liệu giả, thu lời bất chính hơn 1 tỷ đồng.

Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ hơn 90 giấy tờ, bằng cấp giả và khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Trong đó có cả đối tượng mua giấy tờ giả về sử dụng. Đây là vụ án làm giả, mua bán và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức rất phức tạp, nghiêm trọng, phạm vi hoạt động của các đối tượng diễn ra trong toàn quốc. Giấy tờ giả có rất nhiều loại từ các loại văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đến bằng tốt nghiệp THPT, đại học, giấy đăng ký kết hôn, giấy phép lái xe... Đối tượng sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả vào nhiều mục đích khác nhau nhưng chiếm phần lớn là đi xin việc, mở tài khoản ngân hàng, vay tín chấp, lấy chồng nước ngoài.

Theo Phòng An ninh điều tra, để triệt phá được đường dây làm giấy tờ, bằng cấp giả này, cán bộ của đơn vị mất gần hai tháng điều tra, làm rõ các đối tượng cung cấp và sử dụng. Các đối tượng hoạt động theo đường dây, chia thành các đầu mối, các khâu để cung cấp con dấu, tài liệu giả cho người khác nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi, lập các tài khoản mạng xã hội mang tên giả, dùng sim điện thoại rác để rao bán, liên lạc với nhau, giao dịch qua các tài khoản ngân hàng mang tên người khác nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Hành vi của các đối tượng đã xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động quản lý nhà nước đối với các con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức, gây ảnh hưởng tiêu cực và tạo dư luận xấu trong xã hội. 

Qua vụ việc này người dân cần thận trọng, không sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả, tránh tiếp tay cho kẻ gian và bản thân không vi phạm pháp luật. Trước đây, việc sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả chủ yếu bị xử lý vi phạm hành chính thì hiện nay vấn đề này được quy định tội danh tại điều 341, Bộ luật Hình sự.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ các đối tượng liên quan, kể cả các đối tượng mua và sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả để xử lý trước pháp luật. 

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triệt phá đường dây làm giấy tờ, bằng cấp giả