Cha mẹ sẽ tự ái hay bình tĩnh nhìn nhận vấn đề khi được cô giáo "triệu tập" lên gặp và nói không thuận tai về trẻ?
Cô “vạch tội” con, có nên tự ái?
Mới vào học một tuần, chị Nguyễn Thị Nga (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đành xin nghỉ làm sớm vì cô tức tốc triệu tập để trao đổi về tình hình của con.
Đến nơi cô “vạch tội” con mình đủ kiểu, nào là con nghịch nhất lớp, con hay nói chuyện riêng, viết chữ xấu, chưa biết số nhiều, đọc chậm, ăn ngủ kém,…:
“Đúng là con gặp phải những vấn đề đó nhưng tôi chỉ quan điểm, con mới đi học được một tuần chưa thể vào nề nếp do mới bước từ mẫu giáo lên còn bỡ ngỡ môi trường mới. Cũng không thể vì thế mà cô giáo đánh giá đó là bản chất cũng như điểm yếu của con" - chị Nga cho hay.
Chị Trần Thanh Tâm, có con vào lớp 1 một trường công lập tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, vợ chồng chị thống nhất không cho con đi học chữ trước nên mới vào lớp một, con gặp nhiều vấn đề phiền toái cũng như khó khăn. “Mới học một tuần cô đã gọi lên trao đổi con học chậm hơn các bạn, hay làm việc riêng, con không tự đi vệ sinh, không thích làm thì ăn vạ nằm ra đất. Cô yêu cầu bố mẹ cần dạy con ở nhà thêm không thì không theo kịp các bạn”- chị Tâm chia sẻ.
Cũng theo chị Tâm, ngay ở buổi đầu tiên đi học, khi cô giáo viết tên cô và số điện thoại của cô lên lớp, gần như cả lớp đồng loạt đọc vach vách. “Tôi thấy hơi choáng vì hơn 40 bạn trong lớp gần như 100% đi học chữ nên tôi biết con mình học sẽ cảm thấy bị đuối và chắc chắn bị cô sẽ chê con học chậm”- chị Tâm nói.
Cũng theo chị Đỗ Thanh Hương (quận Đống Đa, Hà Nội), con chị năm nay lên lớp 3 nhưng tuần vừa qua vẫn bị cô giáo gọi lên để trao đổi. Lên gặp, cô phản ánh khi ở lớp, cô bảo gì con hay làm ngược lại, học thì nhớ nhớ quên quên, nhiều lúc cả lớp làm bài thì con ngồi nghịch, thậm chí không làm bài kiểm tra theo yêu cầu của cô.
“Đúng là cô giáo chê con mình thật nhưng không vì thế mà tôi phản ứng tự ái. Năm lớp 1, lớp 2, mỗi khi bị cô gọi lên trao đổi, tôi còn mong cô chia sẻ nhiều điều con vướng mắc, yếu kém trong học tập của con để bố mẹ còn biết mà điều chỉnh”- chị Tâm cho hay.
Khi con bị chê bai, có nên lao vào đòi “xử lý” cô giáo?
Chuyên gia tâm lý độc lập, TS Vũ Thu Hương cho rằng, thông thường khi cô giáo nói điều gì đó không thuận tai về trẻ thì lập tức bố mẹ sẽ có phản ứng tự ái. Sự thật là lâu nay, cứ hễ có chuyện gì liên quan đến trẻ là lập tức mọi người nhao lên đòi xử lý người lớn và bênh vực trẻ.
“Có nhiều trường hợp sự bênh vực và bao dung trở nên quá đà. Phụ huynh sẵn sàng lao vào giáo viên chiến đấu, mặc kệ con mình với tội lỗi đầy ắp rất ung dung vì được bênh vực"- chuyên gia tâm lý nêu quan điểm.
Theo tiến sĩ Hương, có trường hợp trẻ hư rõ ràng, nhưng khi cô giáo bực bội thì lập tức cha mẹ lại bênh và nói nó còn nhỏ nó biết gì. Dĩ nhiên, con còn nhỏ không biết mới cần dạy dỗ.
“Có mẹ thấy cô giáo nhận xét con không hay đã xoáy vào các tật của cô như trẻ, dáng đi xấu .... lý luận là cô mới quen làm gì đã hiểu con và tìm cách đổ lỗi cho cô mà không nhìn ra rằng, cô đang tìm cách giúp trẻ tiến bộ bằng cách tìm hiểu vấn đề của con để chỉnh sửa”- vị chuyên gia tâm lý này nói.
Bà Hương cho rằng, các thầy cô giáo rất mong sự hợp tác của các cha mẹ, nhìn trúng, nhìn rõ những vấn đề của con đề cùng cô giải quyết. Lý do gì mà cha mẹ lại tự ái đùng đùng để nói các cô không ra sao?
“Rõ ràng, khi con không ổn, các cô cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy vì các cô cũng chỉ có trách nhiệm giáo dục con trong thời gian ngắn. Con hư thì chính con và cha mẹ khổ. Vậy tự ái để làm gì? Vì thế, các phụ huynh nên dẹp tự ái của mình để giáo viên được làm việc và hoàn thành trách nhiệm”- bà Hương nhấn mạnh.
Theo Tiền phong