Y tế - Sức khỏe

Trẻ mềm sụn thanh quản lo thời tiết chuyển mùa

TRẦN HIỀN 11/10/2024 15:00

Trẻ bị bệnh mềm sụn thanh quản dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là khi chuyển mùa.

img_0184.jpg
Với những trẻ bị mềm sụn thanh quản, triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp nặng hơn so với trẻ bình thường

Sống chung với bệnh

Trời vừa chớm lạnh, cháu Nguyễn Khánh Ch., hơn 11 tháng tuổi ở thôn Cáo Xá, xã Cao An (Cẩm Giàng) đã bị sốt, ho và chảy nước mũi kèm theo những tiếng hắt xì liên tục. Tuy nhiên, mẹ của cháu là chị Trần Thị B. đã quen với việc điều trị bệnh cho con mà không cần phải đưa đi khám. Chỉ cần uống thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt trên 38 độ C, siro ho và thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý.

Chị B. cho biết, khi chưa đầy 1 tháng tuổi, bé Ch. phải lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị viêm phổi do suy hô hấp nặng và đặt nội khí quản để thở máy. Khi điều trị, các bác sĩ phát hiện bé bị mềm sụn thanh quản. Sau khi cai máy thở, cháu được xuất viện về nhà. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau cháu lại nhập viện với các triệu chứng tương tự như lần 1. "Chỉ cần thay đổi thời tiết là cháu bị ốm, sốt và kèm theo những tiếng thở khò khè nghe rất khó chịu. Bị mềm sụn thanh quản nên dù mắc các bệnh hô hấp thông thường cũng khiến các triệu chứng nặng hơn, quấy khóc và dễ bị suy hô hấp. Do vậy, sau khi được xuất viện về nhà, tôi hạn chế cho người lạ tiếp xúc với bé. Những người thân trong gia đình khi tiếp xúc với bé cũng phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên", chị B. nói.

Không chỉ bị mềm sụn thanh quản, cháu Nguyễn Minh Tr. ở Quý Cao, xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) còn bị hẹp đường thở. Chưa đầy 2 tuổi nhưng cháu Tr. có tới gần 10 tháng phải điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương. "Bị nhiều dị tật về đường thở nên cứ thay đổi thời tiết là cháu thường xuyên mắc các bệnh hô hấp, với những triệu chứng nặng hơn so với trẻ bình thường. Nằm viện điều trị kéo dài nên cháu còn kèm theo nhiều bệnh lý khác như xẹp phổi, nhiễm trùng bệnh viện. Hiện tình trạng sức khỏe của cháu đã cải thiện hơn nhưng vẫn ho và thở khò khè. Gia đình tôi đã dần quen và chấp nhận sống chung với bệnh của cháu", chị Phạm Thị O. (mẹ cháu Tr.) chia sẻ.

Hiện nay, thời tiết se lạnh về đêm và sáng sớm, ban ngày oi nóng. Sự chênh lệch nhiệt độ này là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản phổi, cảm lạnh, cảm cúm... Bệnh đường hô hấp xảy ra do sự tấn công của các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể khi trẻ hít thở, lọc khí, trao đổi khí theo đường hô hấp trên và hô hấp dưới. Tuy nhiên, với những trẻ bị mềm sụn thanh quản, triệu chứng của các bệnh hô hấp nặng hơn so với trẻ bình thường. Đặc biệt, việc chăm sóc trẻ không đúng cách hoặc chậm phát hiện các dấu hiệu của bệnh khiến bệnh chuyển nặng, suy hô hấp và phải nhập viện để điều trị.

Bệnh ít gặp

z5903974522954_aba9f9963a5cc255976450a4ac6248c5(1).jpg
Bệnh mềm sụn thanh quản thường được phát hiện bằng kỹ thuật nội soi khí quản (ảnh cơ sở cung cấp)

Bệnh mềm sụn thanh quản hiếm gặp, chỉ chiếm 0,01% các bệnh lý tai mũi họng nói chung. Theo các chuyên gia y tế, mềm sụn thanh quản ở trẻ hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một bất thường bẩm sinh khiến cho vùng thượng thanh môn bị hẹp lại mỗi khi hít hơi vào, gây ra hiện tượng tắc nghẽn tại đường hô hấp trên từng cơn và tiếng rít thanh quản.

Theo bác sĩ Đàm Văn Lợi, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Hải Dương, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đó là những tiếng thở khò khè của trẻ sơ sinh ngay ở những tuần tuổi đầu đời. Chẩn đoán trẻ mắc chứng mềm sụn thanh quản thường bằng phương pháp nội soi khí quản với ống mềm. Khi soi sẽ thấy nắp sụn thanh quản phồng và ép lực vào vùng tiền đình của thanh quản mỗi khi hít vào. Ngoài ra, có thể phát hiện bệnh khi nội soi tai - mũi - họng hoặc đặt nội khí quản, phế quản cho trẻ. Riêng kỹ thuật nội soi khí quản bằng ống mềm được Bệnh viện Nhi Hải Dương thực hiện từ năm 2018. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ thực hiện được với những trẻ có cân nặng từ 7 kg trở lên (do ống mềm dùng để nội soi chỉ phù hợp với trẻ từ 7 kg trở lên), trẻ nhỏ hơn thường được chẩn đoán bệnh ở tuyến Trung ương. Thông thường, mỗi năm Bệnh viện Nhi Hải Dương chỉ tiếp nhận từ 2-3 trẻ bị mềm sụn thanh quản nhập viện điều trị bởi các triệu chứng suy hô hấp.

"Hầu hết các trẻ mắc mềm sụn thanh quản có kèm theo trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh này không có thuốc đặc trị. Các bác sĩ thường kê thêm vitamin D liều cao. Một số trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ khó bú. Vì thế, khi cho con bú, mẹ cần điều chỉnh lượng sữa phù hợp với sức của trẻ, tránh hiện tượng sặc sữa, rất nguy hiểm. Các gia đình phải xác định sống chung với bệnh mềm sụn thanh quản của trẻ, các dấu hiệu của bệnh, đặc biệt là tiếng thở rít sẽ giảm dần khi trẻ lớn", bác sĩ Lợi nói thêm.

Bệnh mềm sụn thanh quả có 3 cấp độ từ nhẹ, trung bình đến nặng. Với các trường hợp nhẹ và trung bình, đường thở không bị ảnh hưởng nhiều. Dấu hiệu đặc trưng là sự xuất hiện tiếng khò khè khi trẻ hít vào. Đa phần dấu hiệu của bệnh sẽ giảm dần khi trẻ lớn. Với trường hợp bị nặng như khi thở lồng ngực bị co kéo, khó thở, phải thở ô xy... thì trẻ cần được phẫu thuật để điều trị. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp.

Trẻ bị mềm sụn thanh quản dễ bị nhiễm các bệnh hô hấp, nhất là vào thời điểm chuyển mùa. Để bảo đảm an toàn, trẻ cần được khám và theo dõi sức khỏe định kỳ, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như sụt cân, ngưng thở vài giây, tím tái... thì phải đưa trẻ đến các trung tâm y tế để các bác sĩ hỗ trợ kịp thời.

TRẦN HIỀN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ mềm sụn thanh quản lo thời tiết chuyển mùa