Tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"

24/11/2016 07:02

Xây dựng Đề án vị trí việc làm và ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thuộc tỉnh được xác định là "khó mấy cũng phải làm"...



Cán bộ các cơ quan Đảng, đoàn thể thường xuyên phải đi cơ sở, dự họp, làm việc cả
trong ngày nghỉ nên khó tính toán, mô tả thời gian làm việc như yêu cầu

Khó khăn, vướng mắc

Qua nghiên cứu 9 bước xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức một số cán bộ, lãnh đạo các ban đảng, đoàn thể đã nêu nhiều vướng mắc, bất cập sẽ bộc lộ khi xây dựng đề án. Có ý kiến cho rằng do đặc thù công việc, cán bộ các cơ quan Đảng, đoàn thể thường xuyên phải đi cơ sở, dự họp, làm việc cả trong ngày nghỉ nên khó tính toán, mô tả thời gian làm việc như yêu cầu. Vì vậy, về nội dung cá nhân tự kê khai các công việc được giao bằng cách thông thường là dùng phép đếm các công việc được lãnh đạo giao, thể hiện qua phiếu giao việc do lãnh đạo trực tiếp bút phê (tính cả các công việc do lãnh đạo giao trực tiếp không có phiếu) là rất khó áp dụng.

Đồng chí Sái Thị Yến, Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng kết quả công việc của cán bộ các ban Đảng, đoàn thể rất khó định lượng, khó xác định kết quả (sản phẩm) công việc của từng vị trí công tác. Có công việc chỉ "đo, đếm" được kết quả qua thời gian thực hiện kéo dài. Vì vậy, rất khó để xác định khung năng lực, tính số người cho mỗi vị trí việc làm và xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ phức tạp của công việc.

Bên cạnh đó, cái khó trong công tác tuyển dụng của các ban Đảng, đoàn thể chính trị-xã hội là hiếm có cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành. Trong thực tế, có cán bộ đào tạo đúng chuyên ngành nhưng lại không phát huy được năng lực trong hoạt động phong trào của các tổ chức đoàn thể. Vì vậy, việc xác định vị trí việc làm, danh mục vị trí việc làm căn cứ kết quả đầu ra, năng suất lao động hiện tại là khó chính xác. Mặt khác, do đặc thù của mỗi tổ chức đoàn thể khác nhau, yêu cầu công việc cũng khác nhau nhưng thực tế các đoàn thể hiện đang được giao định mức biên chế tương đương nhau là rất bất cập. Việc xác định tiêu chuẩn ngạch chuyên viên đối với các cán bộ, công chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc khối Đảng cũng chưa có quy định. Đơn cử như, các bác sĩ trong Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ chưa biết sẽ được quy định xếp theo ngạch, bậc nào...

Ở tỉnh ta, việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan khối nhà nước đã hoàn thành từ năm 2013 và đã được Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục vị trí việc làm của các sở, ngành, cơ quan. Ban đầu, tương tự như các cơ quan khối Đảng, các cơ quan khối hành chính cũng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng đề án. Nhằm khắc phục khó khăn, UBND tỉnh và Sở Nội vụ đã  xây dựng hướng dẫn và kế hoạch chi tiết cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tương tự như kế hoạch của khối Đảng, các bước xây dựng đề án gồm: xác định danh mục vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thứ tự từ nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành trở xuống; nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ... Từ đó, dự kiến biên chế theo từng vị trí. Trong quá trình xây dựng đề án, Sở Nội vụ giúp UBND tỉnh thẩm định đề án vị trí việc làm các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chi cục thuộc sở, ban, ngành; tổng hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của tỉnh, trình lãnh đạo UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ theo quy định. Thuận lợi hơn ở khối cơ quan hành chính là công việc cụ thể của từng vị trí còn có thể đo, đếm, định lượng được về nội dung, kết quả công việc. Bám sát kế hoạch, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, đến ngày 15-9-2013, Sở Nội vụ đã xây dựng lịch thẩm định đề án xác định vị trí việc làm cụ thể tới từng đơn vị; tổng hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của tỉnh theo quy định.

Khó mấy cũng phải làm


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thuộc tỉnh được tổ chức mới đây, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn nhấn mạnh cần chống tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong quá trình triển khai xây dựng đề án. Đồng chí nêu rõ, việc xác định vị trí việc làm và ngạch công chức đang là vấn đề được xã hội quan tâm, Trung ương chỉ đạo phải thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, trên thực tế, có việc, Trung ương và tỉnh rất quan tâm chỉ đạo, nhưng cấp dưới thì thờ ơ, xem nhẹ. Vì vậy, Tỉnh ủy yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu thẩm định và xây dựng đề án của các cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, cấp huyện trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 1-3-2017; tiếp thu và tổng hợp danh mục vị trí việc làm gửi về Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 31-3-2017. Thời gian triển khai và hoàn thiện ngắn như vậy nên đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị bám sát thực tiễn, tránh tình trạng lơ là, chậm bắt tay vào xây dựng đề án vì cho là việc chưa vội, chưa cần thiết.



Các bác sĩ công tác ở Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh chưa biết sẽ được quy định
 xếp theo ngạch, bậc nào khi triển khai xây dựng đề án


Hiện nay đã có nhiều tỉnh hoàn thiện việc xây dựng đề án ở các cơ quan, đơn vị nên tại hội nghị quán triệt, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng đề án không được sao chép kế hoạch của tỉnh và các đơn vị bạn.

Về giải pháp khắc phục khó khăn trong quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm, đồng chí Nguyễn Văn Quế, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, nguyên nhân cơ bản khiến việc xây dựng đề án chậm và khó là do cán bộ chưa hiểu rõ ý nghĩa, tác dụng của đề án; chưa được tập huấn kỹ càng; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến việc này. Do đó, để việc xây dựng đề án và đi vào thực hiện thành công, trước hết cần sự vào cuộc có trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị vì đó là những người hiểu rõ nhất chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, từng vị trí việc làm. Việc xây dựng đề án phải thực hiện độc lập và cần có sự kiểm tra, hướng dẫn, thẩm định của cấp trên. Nên tổ chức thẩm định chéo giữa các đơn vị.

Những kinh nghiệm của các cơ quan hành chính sẽ là cơ sở để các cơ quan khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thuộc tỉnh tham khảo trong quá trình xây dựng đề án. Xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thuộc tỉnh là việc các cấp, các ngành liên quan cần làm ngay, có ý nghĩa quan trọng trong việc cải cách nền hành chính, tinh gọn bộ máy công vụ.

PV


9 bước xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức gồm: thu thập thống kê công việc cá nhân, tổ chức, cơ quan; phân tích tổ chức; phân nhóm công việc trong từng phòng, ban hoặc tổ chức; thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định vị trí việc làm cho từng phòng, ban hoặc tổ chức; xác định khung năng lực cho mỗi vị trí việc làm; xác định cơ cấu công chức, tính số người cho mỗi vị trí việc làm; thẩm định, hoàn thiện bản mô tả vị trí việc làm và tổng hợp danh mục vị trí việc làm, số lượng công chức của cơ quan, đơn vị


(0) Bình luận
Tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"