Trong bối cảnh giá căn hộ chung cư tăng cao, nhiều chủ nhà còn tranh thủ tăng giá "trên trời" làm khó người mua.
Cách đây 3 tháng, chị Trần Thị Hoài Thu (Hà Nội) có nhu cầu mua căn hộ khoảng 100m2 tại một khu đô thị thuộc quận Nam Từ Liêm. Đây là dự án đã có tuổi đời gần 20 năm, căn hộ cũng không còn mới, chị Thu chọn vì nghĩ giá cả sẽ phù hợp với tầm tài chính hạn chế của gia đình.
Nhưng chị Thu không ngờ rằng giá căn hộ cũ tại khu đô thị này lại leo thang không ngừng. Ban đầu môi giới báo giá căn hộ 3 phòng ngủ rơi vào tầm 3,7 tỷ đồng, tuy nhiên đúng 1 tuần sau, môi giới cho biết chủ nhà yêu cầu phải được 3,9 tỷ đồng, không bao thuế phí thì mới bán. Chưa hết, ít lâu sau, chị Thu lại được thông báo giá căn hộ đã lên 4 tỷ đồng.
"Giá chung cư tăng nhanh không kém gì thời điểm sốt đất, nhưng với người mua ở thực như tôi thì không thể chạy theo mức giá này được. Chính vì thế tôi đành chấp nhận đi thuê trọ, đợi thị trường bình ổn rồi tìm mua sau", chị Thu nói.
Tương tự, anh Đào Văn Mạnh (Hà Đông) kể, hồi giữa tháng 12/2023 vừa qua, anh hỏi giá căn hộ 58m2 ở quận Cầu Giấy thì được báo giá 3 tỷ đồng. Gần 1 tháng sau, khi định xuống tiền mua, anh liên hệ lại với môi giới thì giá đã lên 3,2 tỷ đồng.
"Khi tôi hỏi lý do vì sao cùng một căn hộ, trong thời gian ngắn mà mức giá thay đổi nhanh thế, môi giới nói rằng chủ nhà tự nâng để hợp với xu thế của thị trường, tránh thiệt thòi so với người khác. Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút mà giá nhà lại tăng liên tục khiến tôi khó mua. Vừa cố xoay xở, vay mượn khắp nơi để định mua thì giá đã bị nâng lên, giờ tôi không vay thêm được nữa và cũng không muốn vay, vì có cảm giác có hiện tượng thổi giá", anh Mạnh nói.
Trước tình trạng giá chung cư tăng cao trong thời gian ngắn, nhiều môi giới cho rằng một trong những nguyên nhân là do có hiện tượng chủ nhà tăng giá theo phong trào, khi người này bán cao thì người kia cũng không muốn kém, chính điều này đã tạo nên mặt bằng mới. Các chủ nhà cho rằng hiện thị trường không dồi dào về nguồn cung mới, nhất là các dự án vị trí trung tâm, do đó giá chung cư phải cao thì mới hợp lý, kể cả chung cư đã xuống cấp.
Tuy nhiên, theo môi giới, việc chủ nhà đua nhau nâng giá quá cao khiến hầu hết khách đều e ngại, giảm sự quan tâm và từ bỏ ý định mua.
Anh Nguyễn Văn Khôi, một môi giới nhà đất lâu năm tại Hà Nội chia sẻ, việc chốt giao dịch rất khó khăn do nhiều chủ nhà không có tâm lý thực sự muốn bán khi giá đang biến động.
"Nhiều chủ nhà là nhà đầu tư sở hữu nhiều căn hộ chung cư. Khi thấy thị trường có nguồn cung khan hiếm, họ sẵn sàng nâng giá với suy nghĩ nếu bán được thì lãi lớn, còn không bán được thì cho thuê vì hiện giá chung cư đang tăng, làm cách nào họ cũng có lợi", anh Khôi cho hay.
Anh dẫn chứng, đã gặp nhiều trường hợp khách đồng ý mua nhưng chủ nhà vẫn sẵn sàng "quay xe" đòi tăng giá vì lý do "thị trường giờ hiếm nhà bán".
"Giá chung cư bị thổi lên cao khiến môi giới nhà đất giờ cũng rất vất vả để bán hàng. Với những căn giá hợp lý, chúng tôi thậm chí phải vào cọc ngay để chủ nhà không thay đổi. Rồi sau đó mới tìm khách để bán. Việc đặt cọc này cũng rất rủi ro cho môi giới vì nếu không bán được thì chúng tôi sẽ mất một số tiền lớn", anh Khôi chia sẻ.
Theo ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh, thời gian gần đây, giá chung cư tăng liên tục trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp do thiếu nguồn cung trầm trọng. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân này thì một phần cũng do các chủ nhà được đà thổi giá.
"Bản thân tôi đã từng làm việc với nhiều nguồn hàng và chỉ sau 1,2 tháng, họ sẵn sàng tăng giá tới 3 lần. Tuy số lượng này không nhiều nhưng cũng đủ khiến nhiều người mua nhà khó chốt", ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, trong lúc giá nhà đang neo ở ngưỡng cao, người mua nhà nên tính toán, cân nhắc kỹ khả năng tài chính của mình. Nếu không đủ tiền, người mua cũng có thể đi thuê nhà, thay vì chạy theo chủ nhà, vì rất có thể mức giá hiện nay chỉ là "ảo", vượt quá giá trị thực, khiến người mua thiệt thòi.
TN (theo VTC News)