Dù vẫn cảnh giác, nhưng nhiều người vẫn mất tiền triệu đến hàng tỷ đồng khi “sập bẫy” lừa đảo tinh vi sử dụng công nghệ cao.
Đã qua thời đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội rồi mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng. Giờ đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng nhiều “chiêu thức” và “bắt trend” theo các vấn đề “nóng” của xã hội.
Theo đó, các đối tượng gọi điện cho người dân, tự giới thiệu là cán bộ của các cơ quan nhà nước (cán bộ địa chính, văn phòng đăng ký đất đai, cảnh sát khu vực, bảo hiểm xã hội...) yêu cầu người dân kê khai, bổ sung thông tin căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử... và điều hướng người dân kết nối Zalo để hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, truy cập website giả mạo (tải thông qua các đường link do đối tượng gửi, các ứng dụng, website này có chức năng hoặc chứa mã độc có khả năng thu thập thông tin, chiếm quyền sử dụng thiết bị của người dùng), sau đó chiếm quyền sử dụng thiết bị, tài khoản ngân hàng của người bị hại và chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.
Hay thủ đoạn khác của các đối tượng lừa đảo là tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, mối quan hệ cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội, lấy những hình ảnh, video cũ của người dân… sau đó sử dụng công nghệ “Deepfake” (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video. Các đối tượng sử dụng hình ảnh, video giả đó thực hiện cuộc gọi video để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí, giả tạo các tình huống khẩn cấp cần phải chuyển tiếp gấp... Khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu làm cho người dân tin tưởng là thật và chuyển tiền cho đối tượng chiếm đoạt.
Thủ đoạn mới đây nhất của tội phạm công nghệ cao là tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số điện thoại của "con mồi" (phổ biến là hình ảnh, thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội hoặc tài khoản mạng xã hội), sau đó chúng sẽ cắt ghép khuôn mặt của họ vào các hình ảnh đã cắt ra từ video có nội dung nhạy cảm ở các nhà nghỉ, khách sạn rồi liên hệ tống tiền...
Có thể nói, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay, rất nhiều hình thức lừa đảo được tội phạm mạng sử dụng và luôn có sự “cập nhật”, thay đổi phương thức liên tục. Chẳng hạn, để chống lại việc hack tài khoản ngân hàng và “tẩu tán” tiền, ngành ngân hàng đã thực hiện việc xác minh nhân thân bằng sinh trắc học, thế nhưng hiện nay đã xuất hiện những chiêu thức của tội phạm như gọi video qua FaceTime, Zalo… nhằm ghi lại hình ảnh của nạn nhân để làm dữ liệu khi thực hiện hack tài khoản.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các cuộc tấn công mạng đã gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Chỉ riêng trong tháng 6/2024, cả nước có 1.723 vụ tấn công mạng, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, số sự cố nghiêm trọng mà Cục An toàn thông tin phải điều phối, xử lý tăng gần 60% so với cả năm 2023.
Bộ Luật hình sự Việt Nam đã có quy định về các hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân, tuy nhiên công tác phát hiện và xử lý những đối tượng lừa đảo hiện nay là một điều không phải dễ. Bởi, hầu như những đối tượng, tổ chức thực hiện lừa đảo có quy mô đều lại ở nước ngoài và “vươn vòi” vào Việt Nam để hoạt động.
Hơn nữa, việc người dân hay doanh nghiệp bị lừa đảo, đều có liên quan phần nào đến việc lộ lọt thông tin cá nhân. Tuy nhiên, ngoài việc thông tin cá nhân bị lộ lọt do người dân bất cẩn trong việc bảo mật, cung cấp thông tin cho đối tượng, thì vấn nạn mua - bán thông tin cá nhân từ các tổ chức, cá nhân cũng cần phải được xử lý nghiêm. Bởi, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cũng là hình thức gián tiếp tiếp tay cho tội phạm, gây ra nhiều bức xúc cho người dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính cần phải đề cao việc bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu của khách hàng, tránh bị “rò rỉ” ra ngoài.
Trước sự thay đổi “chóng mặt” của các phương thức lừa đảo, hệ thống pháp luật và đội ngũ thực thi về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng cần phải luôn cập nhật, tạo “tường lửa” để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với hành vi vi phạm. Đồng thời, công tác quản lý Nhà nước về Internet, viễn thông (nhất là quản lý về sim điện thoại) cần phải được siết chặt hơn nữa. Bởi hiện nay, đa số các vụ lừa đảo đều khởi nguồn từ các cuộc điện thoại qua “sim rác” và việc quản lý này còn nhiều bất cập.
Song song đó, bản thân mỗi người dân cũng cần phải chủ động cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo nhắm vào mình. Theo đó, người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân, nêu cao tin thần cảnh giác, tuyệt đối không được làm theo hướng dẫn từ người lạ gọi đến; không truy cập vào đường link do người lạ cung cấp qua email, Zalo, Facebook…; không khai báo thông tin cá nhân; không cung cấp mã OTP; hạn chế việc đưa thông tin liên quan đến cá nhân, hình ảnh, video của mình hay không chia sẻ những hình ảnh mang tính chất riêng tư lên mạng xã hội…. Đặc biệt, người dân cũng cần trình báo cơ quan chức năng khi bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo để có thể khoanh vùng, dò tìm và xử lý đối tượng lừa đảo.