Muốn phát triển nông nghiệp CNC cần tích hợp nhiều yếu tố có hàm lượng khoa học, công nghệ lớn vào tất cả các khâu trong sản xuất...
Áp dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất là xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, là "chìa khóa vàng" giúp ngành nông nghiệp tháo gỡ những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt để vươn lên mạnh mẽ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Do đặc thù của nông nghiệp CNC là sử dụng hàm lượng chất xám lớn với mức đầu tư cao nên nếu việc tổ chức, quản lý nông nghiệp CNC không bài bản, khoa học sẽ gây ra lãng phí lớn.
Nắm bắt xu thế phát triển chung, vài năm trở lại đây, nông nghiệp CNC tại Hải Dương có nhiều khởi sắc. Nông dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để xây dựng nhà màng, nhà lưới, thiết kế hệ thống nước tưới tự động nhằm khép kín quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm vượt trội về mẫu mã, chất lượng. Nhờ ứng dụng CNC mà sản xuất nông nghiệp ít phụ thuộc vào thời tiết, hạn chế được nhiều rủi ro, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp được nâng cao. Từ những động thái tích cực này, nông nghiệp CNC trở thành lựa chọn hàng đầu cho các tổ chức, cá nhân đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã xây dựng được 150.000 m2 nhà màng, nhà lưới. Con số này có thể tăng lên gấp 2, gấp 3 lần trong năm nay. Đây là tín hiệu khả quan nhưng chưa thể đánh giá tính ổn định, hiệu quả kinh tế của ngành nông nghiệp thông qua số liệu trên. Mặt khác, nông nghiệp CNC là "con dao 2 lưỡi", nếu không có sự tính toán với những hướng đi thận trọng thì thất bại là điều khó tránh khỏi.
Thực tế sản xuất hiện nay cho thấy, Hải Dương mới hình thành được những mô hình nông nghiệp CNC nhỏ lẻ chứ chưa xây dựng được khu hay vùng nông nghiệp CNC. Các mô hình nông nghiệp CNC chủ yếu vẫn là tự phát. Việc phát triển không theo định hướng mâu thuẫn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Bởi đa phần các mô hình sản xuất ứng dụng CNC đều có quy mô nhỏ, các khâu sản xuất phải làm thủ công, không thể cơ giới hóa sản xuất. Ngoài ra, nếu kiểm soát môi trường đất, nước, không khí trong nhà màng, nhà lưới không tốt thì sâu bệnh sẽ phát sinh tại chính nơi được cho là an toàn về dịch bệnh nhất.
Muốn phát triển nông nghiệp CNC cần tích hợp nhiều yếu tố có hàm lượng khoa học, công nghệ lớn vào tất cả các khâu trong sản xuất như tự động hóa, công nghệ thông tin... Tuy nhiên hiện nay, người dân mới chỉ chú trọng tới việc ứng dụng nhà màng, nhà lưới vào sản xuất mà bỏ qua rất nhiều điều kiện cần thiết khác. Nhà màng, nhà lưới phù hợp với những loại cây trồng mẫn cảm với thời tiết như hoa, rau giống. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới thích hợp trong vụ đông khi trời rét đậm, rét hại nhưng lại bất lợi vào mùa hè oi nóng. Nếu xảy ra dông, lốc, bão rất có thể dẫn tới "thiệt hại chồng thiệt hại" vì hệ thống nhà màng, nhà lưới chỉ có thể chịu được sức gió dưới cấp 6.
Để nông nghiệp CNC phát triển hiệu quả, việc sử dụng công nghệ phải phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, tránh áp dụng máy móc một vài loại hình công nghệ. Nông nghiệp là lĩnh vực đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và thúc đẩy phát triển theo hướng CNC. Nhưng nông nghiệp không thể mãi trông chờ, dựa dẫm vào hỗ trợ. Bài toán hiệu quả kinh tế phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, chính quyền, cơ quan chuyên môn cần đồng hành cùng người dân trong việc lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp CNC phù hợp. Có như vậy, nông nghiệp CNC mới thật sự phát huy được hiệu quả và trở thành tương lai của nền nông nghiệp hiện đại.
NGỌC DŨNG (Thanh Hà)