Việc tử tế

Học sinh khuyết tật Hải Dương hát Quốc ca bằng… tay

BẢO LINH 02/09/2024 07:16

Những ngày này, hòa chung niềm hân hoan chào mừng Quốc khánh 2/9 và chuẩn bị ngày khai giảng năm học mới, những học sinh khuyết tật nghe, nói ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương được các cô giáo hướng dẫn học bài hát về Tổ quốc mình và giai điệu Quốc ca đã được ngân lên theo một cách đặc biệt đầy xúc động.

Xem clip

Bước lên tầng 4 của một tòa nhà ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, những câu hát vang lên khá to: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…” khiến tim tôi rung động. Lại gần, tôi càng xúc động hơn khi những cánh tay của các em khuyết tật nghe, nói liên tục di chuyển theo nội dung bài hát thật mạnh mẽ, dứt khoát, trang nghiêm. Các em đang học hát Quốc ca... bằng tay, bằng ngôn ngữ ký hiệu. Khi bàn tay úp xuống, đưa từ trong ra ngoài theo nửa hình tròn có nghĩa là "đoàn quân". Hai bàn tay nắm lại, đưa gần vào nhau, các đầu xương ngón tay chạm nhau có nghĩa là "chung lòng". Hai tay giơ lên ngang trán, lòng tay hướng phía trước, hai tay chéo sang nhau, từ từ đưa hai tay về vị trí thẳng cổ tay nghĩa là "đường vinh quang"...

trungtam1.jpg
Các em khuyết tật nghe, nói miệt mài tập luyện hát Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu để chuẩn bị cho buổi chào cờ tại lễ khai giảng năm học mới 5/9

Khi bài hát kết thúc, nhiều em ra ký hiệu đề nghị cô giáo cho hát thêm lần nữa để nhuần nhuyễn, thuần thục hơn. Cô Phạm Thị Thảo, giáo viên Phòng Dạy văn hoá, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh mỉm cười gật đầu. Các em lại say sưa dùng đôi bàn tay bé nhỏ múa lên lời bài hát bằng ngôn ngữ ký hiệu. Nhờ cô Thảo phiên dịch, em Lương Thị Hậu, lớp 3A cho biết em học thuộc bài Quốc ca bằng ký hiệu trong 5 ngày. Ngoài tập trên lớp, về phòng nghỉ các em cũng tập với nhau nên nhanh thuộc. Học hát Quốc ca khó vì có nhiều từ lạ và mới như “chung lòng”, “in máu”, “mang hồn nước”, “xây xác”... Em nghe cô giáo giảng giải các từ và cố gắng ký hiệu thật nhiều lần. Hậu thích nhất đoạn cuối bài hát: "Nước non Việt Nam ta vững bền", nghẹn ngào và tự hào lắm. Nhiều lần được đứng hát Quốc ca… bằng tay dưới cờ, em rất vui. "Em sẽ cố gắng chăm ngoan và học tốt để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ…", rồi Hậu đặt tay phải vào ngực trái ý nói: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.

Nhìn những gương mặt trong sáng, hồn nhiên, tươi vui này, không ai nghĩ các em có khiếm khuyết về cơ thể. Cô Thảo chia sẻ cái khó của việc dạy các em hát Quốc ca bằng ký hiệu ngôn ngữ là phải giải thích nghĩa và có những minh hoạ sinh động. Cô thường xuyên mở những video chào cờ, duyệt binh, kết nạp Đội... sau đó giảng giải để các em hiểu được bản chất của từng lời, để biểu lộ cảm xúc, tình cảm trên khuôn mặt thông qua cử chỉ, ký hiệu, kết hợp nhịp nhàng với chuyển động của cơ thể, đồng thời gửi gắm tình yêu, tình cảm của mình trong từng câu hát. “Khó khăn nhất với giáo viên là làm cách nào để diễn tả các từ trừu tượng như chung lòng, in máu, mang hồn nước, xây xác... vì học sinh khuyết tật nghe, nói vốn từ ít và chỉ hiểu được nghĩa đen. Tôi đã chuyển các từ trừu tượng, khó hiểu sang các từ đồng nghĩa, dễ hiểu nhưng vẫn bảo đảm sự trang nghiêm, hùng tráng của bài hát”, cô Thảo nói.

trungtam2.jpg
Các em khuyết tật nghe, nói rất thích hát Quốc ca, vì được thể hiện niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cùng các bạn

Lần tập hôm ấy dù có sự "vênh” nhau giữa tiếng hát trên video phát từ chiếc điện thoại di động của giáo viên và các em khuyết tật nghe, nói nhưng khúc trầm hùng của bài Quốc ca vẫn được thể hiện tuyệt vời, theo một cách rất đặc biệt. Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương cho biết hình ảnh này đã gây xúc động cho cô không biết bao lần, mặc dù đã trở thành quen thuộc, nhưng giây phút chứng kiến các em nghiêm trang hát Quốc ca, trong lòng cô rất hạnh phúc.

trungtam3.jpg
Các em khuyết tật nghe, nói tranh thủ giờ ra chơi dạy nhau hát Quốc ca

Theo cô Hạnh, do đặc thù của học sinh tại trung tâm đều có mức độ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, một số em rối loại hành vi, khó khăn về sức khỏe, dạng tật, trong khi nghi thức chào cờ hát Quốc ca đòi hỏi sự trang nghiêm nên trung tâm chỉ tổ chức vào các ngày lễ lớn như khai giảng, sơ kết, tổng kết năm học, các ngày kỷ niệm, hoạt động lớn... Hằng năm, trung tâm có 350 học sinh khuyết tật, trong đó có hơn 100 em khuyết tật nghe, nói. Mặc dù học sinh khuyết tật không nghe được bằng tai nhưng lại có sự nhạy cảm, quan sát tinh ý, cơ thể có thể cảm nhận được rung động lớn nên đa số các em rất thích hát Quốc ca, vì được thể hiện niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cùng các bạn.

“Tại các buổi chào cờ của trung tâm thời gian qua, lời hát bằng ngôn ngữ ký hiệu từ những trẻ em thiệt thòi, kém may mắn, không thể nghe, không thể nói như một điều kỳ diệu truyền cảm hứng, lan tỏa đến tôi và nhiều người niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước”, cô Hạnh xúc động nói.

BẢO LINH
(0) Bình luận
Học sinh khuyết tật Hải Dương hát Quốc ca bằng… tay