Tin tức

Trận tập kích sân bay Cát Bi 70 năm trước

TN (theo VnE) 07/03/2024 07:20

Ngày 7/3/1954, 32 bộ đội tập kích, đốt cháy 59 máy bay ở Cát Bi, chặt đứt con đường tiếp viện quan trọng của Pháp cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sân bay Cát Bi năm 1954. Ảnh tư liệu của Joseph Scherschel
Sân bay Cát Bi năm 1954. Ảnh tư liệu của Joseph Scherschel

Năm 1953, sau 8 năm chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đi vào ngõ cụt với thiệt hại ngày càng nặng nề. Nhằm xoay chuyển tình thế, ngày 7/5/1953, Chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre, người từng chiến đấu trong Thế chiến I, Thế chiến II làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương.

Navarre đã cho ra đời bản kế hoạch tác chiến mang tên mình. Mục tiêu là trong thu đông 1953 và xuân 1954, quân Pháp giữ thế phòng ngự trên chiến trường miền Bắc, tiến công để bình định miền Trung và miền Nam Đông Dương, xóa vùng tự do Trung Trung Bộ. Từ thu đông 1954, quân Pháp chuyển lực lượng ra miền Bắc, tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự, buộc Việt Nam đàm phán nhằm kết thúc chiến tranh trong danh dự trong 18 tháng.

Đoán biết ý định đối phương, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, lựa chọn đánh ở hướng quân Pháp yếu và rừng núi hiểm trở. Bộ đội chủ lực Việt Nam kết hợp với lực lượng địa phương mở những cuộc tấn công vào hướng chiến lược nhằm giải phóng đất đai, buộc Pháp phân tán lực lượng để đối phó. Đại đoàn 316 được lệnh tiến lên Tây Bắc.

Theo các tư liệu lịch sử, thấy động thái của phía Việt Nam, tướng Navarre điều 6 tiểu đoàn cơ động tăng cường cho Điện Biên Phủ (trước thuộc Lai Châu, nay là Điện Biên), biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 9 tiểu đoàn, lúc cao nhất lên 16.200 quân. Quân Pháp bố trí hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại.

Dù là cứ điểm hùng mạnh, Điện Biên Phủ bị núi rừng cô lập, việc tiếp tế phải trông cậy vào đường không từ các sân bay, trong đó có Cát Bi ở Kiến An, TP Hải Phòng. Sân bay được Pháp xây dựng năm 1912, rộng 1.400 hecta, trong đó 500 hecta xung quanh là vành đai trắng, ba mặt bắc, đông và nam là Biển Đông và hai con sông Lạch Tray, Văn Úc bao bọc.

Khi Pháp tái thiết để phục vụ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Cát Bi được bố trí khoảng 3.000 lính bảo vệ, có hàng trăm phi công, nhân viên phục vụ và 44cố vấn quân sự Mỹ. Quân đội Pháp đã trang bị 25 trọng liên, 13 cối 81 mm cho sân bay. Xung quanh có 6 hàng rào dây thép gai bao bọc, 77 lô cốt, tháp canh kiên cố, 22 vị trí chiến đấu bên ngoài hàng rào thứ nhất tính từ ngoài vào, 38 vị trí chiến đấu rải ra giữa các hàng rào bên trong và trong sân bay, 5 vị trí dọc đường 14 từ cầu Rào đến Quý Kim để bảo vệ sân bay từ xa.

Giữa các hàng rào, lô cốt, tháp canh đều có lực lượng kiểm soát và các bãi mìn, vật cản gây tiếng động khi va chạm. Cứ 30 phút một lần, các đội tuần tra bằng xe cơ giới mang theo chó săn lùng sục quanh sân bay. Quân Pháp còn thường xuyên tổ chức những trận càn quét sâu vào vùng nông thôn giáp ranh Kiến Thụy, tạo thành khu đệm ngăn cách sân bay với vùng tự do Tiên Lãng.

Lên phương án tập kích

Để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, cấp trên chỉ thị cho Tỉnh đội Kiến An tổ chức trận tập kích vào sân bay Cát Bi, phá hoại ít nhất 50 máy bay, bảo toàn lực lượng, giành thắng lợi về quân sự.

Năm đó ông Nguyễn Thế Phim ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, tròn 20 tuổi, mới nhập ngũ vào biên chế Đại đội 295, tỉnh đội Kiến An, lực lượng nòng cốt đánh sân bay Cát Bi sau này.

Để chuẩn bị cho trận tập kích, từ tháng 7/1953, tổ trinh sát của tỉnh đội Kiến An đã xâm nhập vào xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy để xây dựng cơ sở trong điều kiện địch thường xuyên bao vây, càn quét và phục kích trên khắp ngả đường. Các hầm bí mật bị tàn phá gần hết. Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt, bị giết.

Tổ chức phải tăng thêm cán bộ xuống các xã vận động nhân dân tăng cường phòng gian giữ bí mật, giành giật với địch để bảo vệ cơ sở. "Ban ngày, anh em trinh sát nấp trong hố đất, bụi cây, bị muỗi đốt, vắt chích đau buốt, chịu đói khát, rét buốt. Đêm đến, anh em mới vào gặp dân, tuyên truyền xây dựng cơ sở", ông Phim kể.

Gần Tết Nguyên đán 1954, Đại đội 295 hơn trăm người được lệnh tập chạy ruộng, bơi sông, vác súng chạy đường trường. Do quanh Cát Bi là vành đai trắng rộng hàng trăm mét, muốn tiếp cận, bộ đội phải vượt qua vùng dân cư thưa thớt với nhiều sông ngòi. "Rất khó trụ lại sau trận đánh, đánh xong phải rút nhanh về căn cứ trước khi trời sáng để bảo đảm an toàn. Vì thế việc tập luyện trên các địa hình là cực kỳ quan trọng", ông Phim giải thích.

Ông Nguyễn Thế Phim chuẩn bị quân phục để dự Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Cát Bi. Ảnh Lê Tân
Ông Nguyễn Thế Phim chuẩn bị quân phục để dự kỷ niệm 70 năm chiến thắng Cát Bi vào sáng 7/3. Ảnh: Lê Tân

Mọi công tác chuẩn bị, bố trí lực lượng được ông Minh Khánh (tức Lê Thừa Giao), chỉ huy trưởng trận đánh, xây dựng tỉ mỉ, tập dượt nhiều lần. Ngày 28/2/1954, Ban chỉ huy và ông Đặng Kinh, Tỉnh đội trưởng Kiến An, thông qua kế hoạch đánh sân bay Cát Bi.

Ngoài lực lượng đánh trực tiếp vào sân bay, hai tổ thuộc Đại đội 198 có nhiệm vụ phá đường 14 (đường Mạc Đăng Quyết ở quận Dương Kinh ngày nay), đánh chặn xe cơ giới địch từ ngã ba Ninh Hải xuống, từ đồn Riềng lên, không cho địch chặn đường vào ra của tổ đánh sân bay.

Tại huyện giáp ranh Kiến Thụy, bộ đội địa phương kết hợp với du kích bí mật bám sát các đồn Quý Kim, Đồng Mô, Phúc Xá, Lão Phong. Hai tiểu đội của các Đại đội 295 và 198 áp sát, bao vây các đồn Riềng, Tạm Xá, sẵn sàng kiềm chế địch để bảo vệ đường rút của bộ đội về căn cứ.

Hai tiểu đội của Đại đội trợ chiến 29 và đội đánh thủy lôi được trang bị hai súng bazooka và thủy lôi tự tạo, bố trí trận địa phục kích dọc đê Văn Úc từ xóm Vo Am đến bến đò Dương Áo, huyện Tiên Lãng, sẵn sàng đánh canô, tàu chiến địch trên sông Văn Úc, bảo vệ bến vượt sông và khu giấu thuyền đón bộ đội qua sông.

"Trước trận đánh lớn, anh em tập luyện hăng lắm. Ngày chống càn, đêm chạy ruộng bơi sông không biết mệt mỏi", ông Phím nhớ lại.

Tập kích sân bay

Tỉnh đội Kiến An định đưa cả Đại đội 295 và Đội quân báo 208 sang đánh, nhưng lần đầu chuẩn bị vượt sông Văn Úc thì bị lộ, phải rút về để bảo toàn lực lượng. Sau đó, cấp trên quyết định chọn 32 người chia làm hai mũi tiến công. Mũi một gồm 17 chiến sĩ do ông Minh Khánh chỉ huy. Mũi hai gồm 15 người, do ông Đỗ Tất Yến, Đại đội trưởng Đại đội 295, phụ trách.

Thành viên trong mũi chia làm tổ ba người, được trang bị súng, lựu đạn, dao găm và mỗi người ôm theo ba quả bộc phá. "Tôi cùng tổ với anh Yến và anh Thụy. Trước khi đi, tất cả làm lễ mặc niệm, đọc lệnh của Bộ Quốc phòng, đọc thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xác định có thể hy sinh, thương vong nhưng chúng tôi tin tưởng tổ chức, sẵn sàng lên đường", ông Phim nói.

Tối 5/3/1954, ông Phim cùng đồng đội từ xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng vượt sông Văn Úc bằng thuyền sang xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy rồi lại bơi qua sông Đa Độ sang xã Minh Tân. Cả đoàn đi bộ đến 4h hôm sau thì xuống hầm bí mật ở Hợp Lễ, xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy nằm chờ, ăn cơm nguội.

"Lúc đó chúng tôi mệt quá, không thở ra hơi, đi vào làng, chó cũng không phát hiện ra", ông Phim kể. Sau 14 tiếng nằm chờ, bộ đội lên khỏi hầm, tập trung tại đầu làng Hòa Nghĩa để cấp trên kiểm tra vũ khí, nhắc lại nhiệm vụ.

Máy bay địch ở sân bay Cát Bi bị quân ta phá hủy ngày 7/3/1954. Ảnh tư liệu
Máy bay của quân Pháp bị phá hủy ngày 7/3/1954. Ảnh tư liệu

19h45 ngày 6/3, cả đội hành quân men theo đường 14, vượt sông Lạch Tray, lội qua bãi lầy, men theo đường vòng dài hơn 10 km để tiếp cận sân bay Cát Bi. Theo ông Phim, 32 người chạy như bay trên những cánh đồng lầy lội, theo chân nữ du kích dẫn đường, đúng như những gì đã được tập luyện.

Đến gần hàng rào thứ nhất, tổ quân báo lên cắt một lỗ nhỏ cho anh em chui vào. Từ trong sân bay, quân Pháp liên tục chiếu đèn pha, đi tuần nên việc cắt các lớp hàng rào kéo dài khoảng một tiếng.

0h ngày 7/3, ông Phim cùng đồng đội thuộc mũi hai vượt qua hàng rào thứ 5, gặp một hồ nước sâu, bèo tốt um, không thể lội hoặc vòng qua được. Do sắp đến giờ nổ súng, ông Yến định cho nổ súng, báo hiệu để mũi một cứ đánh, nhưng các quân báo dẫn đường đề nghị quay lại đi theo đường của mũi một để vào sân bay.

0h45, cả hai mũi đã triển khai xong đội hình, tất cả thành hàng ngang đối diện với đường băng nơi máy bay đỗ. "Bất ngờ lúc đó có 6 tên lính Âu Phi đi tuần, buộc chúng tôi phải nổ súng tiêu diệt rồi xông vào khu máy bay đang đỗ, móc bộc phá, giật nụ xòe phá hủy máy bay", ông Phim kể.

Hàng loạt tiếng nổ làm chấn động cả một vùng, lửa cháy sáng rực. Sau khoảng 15 phút, 59 máy bay chiến đấu và vận tải bị phá hủy. Quân Pháp điên cuồng vãi đạn, thả đèn dù, pháo sáng tìm mục tiêu, kéo còi inh ỏi...

Ông Phim cùng đồng đội gọi nhau rút ngay trong mưa đạn từ phía đối phương. "Chúng tôi chạy về phía sông Lạch Tray, vượt qua loạt hàng rào mà không ai bị trúng mìn. Thật sự rất may mắn", ông kể. Cả đội theo đường cũ rút về Hòa Nghĩa rồi được thuyền đã bố trí trước đón qua vùng tự do Tiên Lãng.

Quân Pháp truy đuổi, bắt được ông Lê Văn Vành đang bị thương nằm dưới hầm rồi tra tấn đến chết. Ông Nguyễn Văn Dung và Nguyễn Văn Tuyên cũng không trở về. "Hai anh chắc bị thương, khi vượt sông Lạch Tray thì đuối sức. Sau này, người dân tìm thấy hai anh rồi đưa về mai táng. Anh Nguyễn Văn Thược được phân công ở lại bảo vệ hàng rào đã cắt, bị địch bắt đến ngày hòa bình mới được thả", ông Kính rưng rưng nhớ về đồng đội.

Sân bay Cát Bi đã cháy suốt 17 tiếng. Ngoài máy bay, nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại của quân Pháp cũng bị thiêu rụi, làm tê liệt hoạt động tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Phía quân đội Việt Nam, 16 chiến sĩ hy sinh trong quá trình trinh sát, chuẩn bị và chiến đấu. Các chiến sĩ tham gia trận đánh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen, tặng danh hiệu "Dũng sĩ Cát Bi".

Ông Phim cùng vợ đã ngoài 90 nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Ảnh: Lê Tân
Ông Phim cùng vợ đã ngoài 90 nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Ảnh: Lê Tân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá những trận đánh "xuất quỷ, nhập thần" xung kích sân bay Gia Lâm, đặc biệt là sân bay Cát Bi đánh thẳng vào nơi trung tâm quân sự, phá hủy một bộ phận quan trọng không quân địch, tạo thuận lợi cho các chiến trường toàn quốc và chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Về phần mình, sau trận tập kích sân bay Cát Bi, năm 1965, ông Phim xuất ngũ về quê làm ruộng nhưng hai năm sau phục viên vào Nam đánh Mỹ, phục vụ mặt trận Tây Nguyên rồi sang Campuchia làm nhiệm vụ. Năm 1984, trung tá Nguyễn Thế Phim nghỉ hưu. Hiện ông là một trong hai "Dũng sĩ Cát Bi" còn sống.

TN (theo VnE)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trận tập kích sân bay Cát Bi 70 năm trước