Nghệ sĩ Trần Lực nói khi đóng Trịnh Công Sơn trong "Em và Trịnh", anh thấy mình giống cố nhạc sĩ khi yêu hết lòng, chịu đựng nhiều đổ vỡ.
- Vì sao anh nhận lời đóng phim sau 10 năm rời màn ảnh?
- Khi nghe được mời thử vai cho phim Em và Trịnh, tôi đồng ý mà không do dự, thậm chí cũng chưa xem kịch bản. Được đóng Trịnh Công Sơn là ước mơ của rất nhiều diễn viên, không chỉ riêng tôi. Tôi bay vào Sài Gòn, diễn thử một cảnh Trịnh Công Sơn gặp Michiko - người tình Nhật Bản. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hỏi: "Anh dám chơi' tới cùng với phim này không?". Tôi gật đầu và được chọn.
Một trong những nuối tiếc lớn của đời tôi là không được gặp anh Sơn. Thập niên 1990, tôi nhiều lần vào Nam đóng phim. Anh Sơn quý mến giới phim ảnh, thường xuyên gặp gỡ các nghệ sĩ. Không hiểu sao, cứ như cái số, mỗi lần anh hẹn, tôi lại kẹt quay, dù bạn bè tôi không ít người được trò chuyện cùng anh. Đó thật ra là cái hay. Vì không được gặp anh, tôi không bị gò bó, ấn định khuôn mẫu sẵn có của nhạc sĩ, mà thoải mái hình dung về anh khi đóng.
- Đóng Trịnh Công Sơn, anh thấy khó nhất ở điểm nào?
- Nếu tôi nói không khó khăn gì, bạn có tin không? (cười). Trừ chuyện phải thay đổi về ngoại hình là điều bắt buộc, đây là vai tôi thấy thoải mái nhất, có lẽ vì tôi và anh Sơn đều chung tâm hồn nghệ sĩ.
Tôi cùng đạo diễn ngồi lại hội ý để tìm ra một hình bóng Trịnh Công Sơn đậm tính nghệ sĩ: hồn nhiên, yêu đời, yêu con người. Thần thái của ông là điều tôi theo đuổi, từ ánh mắt buồn lãng đãng đến cái nhíu mày khi tập trung cao độ. Tôi nghiên cứu những cuộn băng tư liệu về anh để tìm ra những thói quen nhỏ nhất. Chẳng hạn, khi hát, Trịnh Công Sơn thường nhắm mắt và hát như "lên đồng". Đôi khi anh hát trật nhịp nhưng người nghe vẫn cuốn theo dòng tâm tình anh gửi gắm vào ca khúc. Những chi tiết ấy có thể bắt nguồn từ vô thức, nhưng là điều làm nên Trịnh Công Sơn.
- Hóa thân một nhân vật lớn như Trịnh Công Sơn dễ gây tranh cãi, anh nghĩ sao?
- Tôi lường trước tình huống ấy và chấp nhận những lời chê từ khán giả. Tôi biết khi lên phim, nhiều khán giả đòi diễn viên phải giống hệt nguyên bản, từ mái tóc đến đôi kính. Nhưng không ai có thể giống Trịnh Công Sơn 100%, trừ chính anh. Ngoại hình, điệu bộ của tôi chỉ khắc họa được phần nào để gợi sự liên tưởng. Giọng hát tôi và anh Sơn cũng chẳng tương đồng chút nào. Tôi học cách đặt cả con tim vào ca khúc như anh. Trịnh Công Sơn không phải là ca sĩ nên lối hát của anh rất mộc, khác các giọng ca chuyên nghiệp. Tôi không cố diễn cho giống Trịnh, mà muốn tạo ra muốn Trịnh Công Sơn của Trần Lực, theo cảm nhận của tôi về anh.
Ngày trước, tôi từng đóng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Tác phẩm ra mắt, nhiều nhà báo chê hóa thân không giống, tôi vẫn bình thản. Cái hay của nghề này là không phải sao chép nguyên vẹn nhân vật, mà lồng ghép tư tưởng của người diễn vào vai.
- Anh đầu tư ra sao cho vai diễn?
- Đạo diễn đề nghị tôi thay đổi ngoại hình triệt để. Tôi buộc phải gầy hơn nhằm có được vóc dáng dong dỏng của cố nhạc sĩ. Êkíp giới thiệu cho tôi một chuyên gia dinh dưỡng để theo đuổi chế độ ăn 16/8, tức được ăn hai bữa trong tám tiếng mỗi ngày, còn lại chỉ uống nước. Tôi phải bỏ ăn sáng lẫn thói quen uống vài lon bia trong mỗi bữa cơm - vốn đã duy trì vài chục năm qua. Từ 73 kg, tôi xuống còn hơn 60 kg. Đang để đầu trọc, tôi bắt đầu nuôi tóc dài. Hôm trở lại đoàn trước khi phim bấm máy, đạo diễn sốc vì tôi giống như đúc hình dung của cậu ấy về Trịnh Công Sơn.
Tôi cũng phải học nói giọng Huế. Sau những năm tháng bôn ba khắp nơi, giọng Huế của Trịnh Công Sơn phôi phai dần, không còn mang đậm tính phương ngữ nên không phải rào cản lớn với khán giả khi xem phim. Tôi còn nhờ giáo viên kèm tiếng Pháp dù trước đó không biết một chữ bẻ đôi, vì sinh thời nhạc sĩ rất thông thạo Pháp ngữ.
- Anh cảm nhận con người Trịnh Công Sơn khi yêu như thế nào?
- Một người lãng tử, đa tài với nhiều bóng hồng đi qua đời mình. Nhiều người nhận xét tôi có nét giống Trịnh Công Sơn, nhưng tôi ước mình hào hoa được như anh. Điểm hiếm hoi tôi giống ở anh là khi yêu, chúng tôi đều hết lòng. Chắc vì yêu không tính toán, tôi mới đổ vỡ nhiều như thế. Những người khôn khéo, tỉnh táo thường cân nhắc chuyện kinh tế, xem hai bên gia đình có hợp không. Còn tôi chỉ cần hỏi: "Em muốn cưới không?", hay không ở được thì chia tay, thế thôi. Một mặt nào đó, tôi cũng hồn nhiên như Trịnh Công Sơn.
- Nhạc Trịnh có ý nghĩa với anh ra sao trong đời sống?
- Năm 1975, khi hai miền thống nhất, bố tôi đem về nhà băng cassette Sơn Ca 7 - Khánh Ly và những tình khúc Trịnh Công Sơn. Đó là băng nhạc đầu tiên của miền Nam tôi nghe. Từ đấy, những Tuổi đá buồn, Hạ trắng, Tình nhớ... đi vào tâm hồn tôi qua chất giọng liêu trai của Khánh Ly. Âm nhạc của anh lúc đó thật khác với những gì tôi từng nghe. Lời ca vừa bay bổng vừa hiện thực, chất du ca bảng lảng như một "Bob Dylan của Việt Nam". Thời học phổ thông, tôi cũng vài lần chơi đàn, hát nhạc Trịnh để tỏ tình với người mình thương. Lớn lên, tôi học cách chiêm nghiệm về cuộc đời, thân phận con người bằng nhạc của anh. Lúc vui hay buồn, tôi đều nghe nhạc Trịnh như một phép trị liệu tinh thần.
Tôi yêu sự ngây thơ của anh Sơn giữa cuộc đời này, đúng như câu hát của anh: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi...". Tôi cảm nhận những tứ thơ của Trịnh Công Sơn đôi khi phải mất cả đời mới nghiền ngẫm hết.
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực sinh năm 1963 tại Hải Phòng, cha mẹ là nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đầu ngành của nghệ thuật hát chèo và văn học. Anh từng học đạo diễn sân khấu tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Vẻ thư sinh giúp anh lọt vào mắt xanh của nhiều đạo diễn. Năm 1983, anh có vai đầu đời trong phim Sẽ đến một tình yêu. Thập niên 1990, anh ghi dấu ấn với các phim Anh chỉ có mình em, Hoa ban đỏ, Mẹ chồng tôi... Năm 2003, anh đóng vai chính trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Sau vai này, anh ít đóng, chuyển sang sản xuất, đạo diễn.
Phim Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) xoay quanh chuyện tình Trịnh Công Sơn với Bích Diễm (tức "Diễm xưa"), Dao Ánh và Michiko,dự kiến ra mắt tháng 12 năm nay. Tác phẩm có kinh phí 40 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư ở bối cảnh, do phim kéo dài từ thập niên 1960 đến 1990. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm tư vấn sản xuất cho phim. Anh là con trai cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng - một trong những người bạn thân của Trịnh Công Sơn sinh thời.
Theo VnExpress