Biết chị Phong đã trải qua một đời chồng, nằm liệt giường, lại lớn hơn hai tuổi, nhưng anh Dương đã vượt qua tất cả rào cản để đến bên người phụ nữ bất hạnh ấy.
Cuộc tình đẹp như cổ tích của vợ chồng anh Phan Văn Dương (SN 1989, ngụ huyện Tuyền Hải, tỉnh Thái Bình) và chị Hồ Thị Phong (SN 1987, ngụ xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã khiến nhiều người xúc động.
Chị Phong hạnh phúc bên con trai
Quá khứ buồnChị Phong từng qua một lần hôn nhân đổ vỡ. Hơn chục năm nay, chị phải nằm liệt giường vì di chứng của căn bệnh gai cột sống. Sống trong mặc cảm, tự ti, chị nhiều lần tìm đến cái chết.
Số phận đưa đẩy giúp chị gặp người chồng hiện tại là anh Dương, một chàng trai cao to, khỏe mạnh. Họ tình cờ gặp nhau qua một cuộc điện thoại nhầm số. Sự đồng cảm chân thành của chàng trai trẻ tuổi một lần nữa thức tỉnh trái tim vốn chịu nhiều tổn thương của chị Phong. Người phụ nữ như tái sinh lần nữa khi được người đàn ông này nguyện dành trọn cuộc đời để chở che cho chị.
Phong kể, cuộc sống khốn khó, lại là chị cả trong gia đình nên chị không được ăn học đến nơi đến chốn như các bạn. Hết lớp Sáu, chị nghỉ học, theo chân cha mẹ ra đồng cào muối. Thu nhập chính phụ thuộc vào nghề làm muối, quanh năm nước mặn ngập chân mà vẫn không đủ ăn.
Với tâm nguyện thoát li khỏi nghề cơ cực, chị theo đám bạn trong làng vào miền Nam làm thuê. Cũng tại đây, chị đem lòng yêu người đàn ông cùng quê nhiều hơn tám tuổi. Bước sang tuổi 19, Phong quyết định cùng người yêu trở về quê tổ chức đám cưới.
Sống chung với nhau vỏn vẹn một tháng thì chị Phong nhập viện vì bệnh gai cột sống. Bảy tháng ròng nằm viện, trải qua hai ca phẫu thuật, chị trở về trong tình trạng liệt hai chân.
Từ một cô gái nhanh nhẹn, hoạt bát, chị Phong đau khổ tập thích nghi dần với cuộc sống của một phế nhân. Cuộc sống của chị sau đó chỉ biết gắn liền với chiếc giường bệnh. Mọi sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc hoàn toàn vào người thân trong gia đình. Nỗi đau chưa kịp nguôi thì người chồng đề nghị chị ký vào đơn ly hôn để đi tìm hạnh phúc mới.
Gia đình tan vỡ, chị được cha mẹ đưa về nhà chăm sóc. Hàng ngày, cha mẹ ra đồng làm muối, chị ở nhà làm bạn với chiếc ti vi, điện thoại. Phong đau khổ nhìn người mẹ già tất bật với công việc, đến bữa lại về lo toan việc tắm giặt, nấu nướng cho con. Người cha cũng vì buồn phiền chuyện con cái mà sinh tật rượu chè. Khi say, ông lại mắng mỏ hết người này đến người khác. Tủi phận mình, thương cha mẹ, nhiều lần chị Phong đã nghĩ đến cái chết để giải thoát cho bản thân nhưng không thành.
Lương duyên bất ngờCuộc sống tẻ nhạt của chị cứ vậy trôi đi trong tiếng thở dài cho đến khi gặp được anh Dương. Nhớ lại cơ duyên hai người gặp nhau, chị Phong hướng đôi mắt về phía cậu con trai đang ngồi bên cạnh mỉm cười chia sẻ:
“Một buổi tối năm 2014, tôi điện thoại cho một người bạn nhưng vô tình nhầm vào số của anh Dương. Sau vài câu chào hỏi xã giao, chúng tôi đã cởi mở nói về hoàn cảnh của mình. Anh cho biết quê ở Thái Bình, ít hơn tôi hai tuổi, làm nghề phụ hồ. Tôi không ngần ngại cho anh biết mình bị liệt cả hai chân, đã dang dở một đời chồng. Chúng tôi xưng hô với nhau bằng tên và quyết định làm bạn bằng cách lưu lại số điện thoại để liên lạc”.
Cũng từ cuộc điện thoại nhầm đó, hai người thường xuyên nhắn tin, điện thoại hỏi thăm nhau. Sau nửa năm chuyện trò qua điện thoại, anh Dương lặn lội từ Thái Bình vào Nghệ An gặp chị. Sau lần gặp gỡ ấy, cứ mỗi tuần, anh lại về thăm chị Phong một lần. Rồi hạnh phúc vỡ òa khi chị được người con trai phương xa ngỏ lời yêu và muốn lấy làm vợ.
“Mới đầu tôi không nghĩ anh lại chấp nhận lấy một người tàn tật như tôi. Tôi đã từ chối tình cảm của anh vì nghĩ mình không xứng đáng, không muốn trở thành gánh nặng cho anh. Cha mẹ tôi cũng ngăn cấm, khuyên anh còn trẻ, còn cả tương lai sự nghiệp trước mắt, đừng tự rước họa vào thân khi yêu tôi. Đáp lại, anh cố gắng thuyết phục cha mẹ cho chúng tôi được đến với nhau. Anh xin được ở lại nhà để được chăm sóc cho tôi thường xuyên”, chị Phong xúc động chia sẻ.
Khuyên can không được, cha mẹ chị đành chấp nhận cho anh Dương ở lại nhà. Hàng ngày, anh xin làm phụ hồ trong các công trình gần nhà, đến buổi lại về chăm sóc chị.
Tình yêu của họ một lần nữa gặp sự ngăn cấm của gia đình anh Dương. Người nhà anh không muốn con mình gắn bó cả đời với một người tàn phế như chị. Cảm thông được nỗi lòng của bậc làm cha làm mẹ, họ quyết định yên lặng, mong sau này thời gian sẽ giúp cha mẹ nguôi ngoai. Cuối năm 2014, họ đăng ký kết hôn, mong chờ sự ra đời của đứa con chị đang hoài thai.
Họ lấy nhau không mâm cỗ, không có sự chứng kiến, chúc phúc của đầy đủ hai bên nội ngoại cũng như bạn bè mà chỉ có tình yêu và sự đồng cảm của cô dâu, chú rể. Sau khi cưới, anh Dương ở hẳn bên nhà vợ, bận rộn với công việc phụ hồ để kiếm tiền chờ đợi ngày con chào đời.
Hạnh phúc đơm hoaGiữa năm 2015, hạnh phúc vỡ òa khi họ được bế con trai đầu lòng. Vì sức yếu nên chị Phong phải sinh mổ, đứa bé chào đời đến nay uống hoàn toàn sữa ngoài nên cuộc sống càng thêm vất vả.
Nghề phụ hồ thất thường, ngày làm ngày nghỉ không đủ tiền trang trải cuộc sống, từ ra Tết năm 2016 đến nay, anh Dương về lại Thái Bình xin làm công nhân cho công ty. Hàng tháng, anh vẫn chu cấp tiền bạc, đều đặn về thăm vợ con.
Hiện tại, con trai anh chị đã 10 tháng tuổi, rất khôi ngô, lanh lợi. Vì chồng đi làm ăn xa, bố mẹ bận rộn với công việc làm muối nên dù nằm liệt giường nhưng chị vẫn cố gắng tự chăm sóc, trông nom con.
Hàng ngày, trước khi đi làm, mẹ chị để sẵn một bình thủy chứa đầy nước sôi, sữa. Khi nào con đói, khát, chị tự pha sữa cho con. Những lúc con buồn ngủ, chị ôm con vào lòng vỗ về.
“Nhiều lúc trái gió trở trời, thằng bé mệt khóc. Không dỗ được con nín, thương con, thấy mình bất lực, tôi chỉ biết khóc theo con, ngóng trông có ai vào nhờ bế giúp. Nhưng rồi khó khăn cũng qua, con trai tôi lớn từng ngày. Với tôi, đó là một may mắn trong cuộc”, chị Phong tâm sự.
Theo Phapluatplus