Là những tế bào của xã hội, cuộc sống trong các gia đình có rất nhiều niềm vui, hạnh phúc, nhưng cũng không ít điều phiền toái, phức tạp.
Trong mỗi gia đình, tuy có nhiều mối quan hệ khác nhau, nhưng mối quan hệ vợ chồng vẫn luôn luôn ở vị trí trung tâm, trong đó người chồng đóng vai trò trụ cột. Nếu người chồng thể hiện được đầy đủ trách nhiệm của mình thì đó chính là nhân tố quyết định đến hạnh phúc lứa đôi, là điểm tựa vững chắc cho quá trình xây dựng bầu không khí đầm ấm, vui tươi trong gia đình.
Vai trò trụ cột của người chồng được thể hiện trên nhiều khía cạnh, thời gian, không gian khác nhau. Ví dụ, những lúc vợ chồng nặng lời, hờn dỗi với nhau thì lời qua tiếng lại giữa hai vợ chồng chắc không tránh khỏi. Nhưng ở đây, người chồng phải nhận thức được rằng thực chất của sự "cãi nhau" là để giãi bày những điều uất ức trong lòng chưa có dịp được bộc lộ, qua đó vợ chồng có điều kiện hiểu thấu về nhau, thông cảm cho nhau, tìm ra tiếng nói chung trong quá trình xây dựng cuộc sống tươi đẹp. Bởi vậy, người chồng không nên to tiếng với vợ, không dùng những từ ngữ xúc phạm đến nhân cách của vợ và tuyệt đối không được dùng bạo lực, đánh đập, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Hãy bình tĩnh xem xét sự việc xảy ra, để vợ chồng cùng nhau tìm ra cái sai của mỗi người và dung hòa nó bằng những nụ cười vui vẻ, những cử chỉ thân thiện. Không ai có thể hiểu hết bản thân mình, vì thế, mỗi khi có khúc mắc nảy sinh, cần phải giãi bày, tâm sự với vợ để tìm một lời khuyên, an ủi, một giải pháp tháo gỡ kịp thời, không nên giấu kín nó trong lòng theo cách "một mình mình biết, một mình mình hay" để rồi lúc nào cũng thấp thỏm lo âu hoặc nghi ngờ vợ.
Phức tạp hơn cả trong các mối quan hệ gia đình là quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Ở đây, người chồng phải đối diện với hai người phụ nữ. Một bên là mẹ luôn có tâm lý sợ mất con trai vì quá nghe vợ, coi vợ là tất cả. Một bên là vợ luôn bị ám ảnh tâm lý chồng mình là người nhu nhược, lúc nào cũng chỉ nghe mẹ. Với tư cách người đàn ông, trách nhiệm của người chồng là phải giải tỏa được tâm trạng của hai người phụ nữ. Muốn thế, người chồng phải chỉ ra cái đúng và sai của mẹ để vợ có thể tiếp thu, đồng thời chỉ ra cái đúng và sai của vợ để mẹ từng bước thông cảm. Làm sợi dây kết nối tâm hồn hai người phụ nữ ở hai vị trí thứ bậc khác nhau trong một gia đình là chuyện không dễ. Nghệ thuật chủ yếu là phải xóa được sự phân biệt tâm lý giữa mẹ đẻ và mẹ chồng, giữa nàng dâu và con gái. Mẹ nào cũng là mẹ, con nào cũng là con. Lấy nguyên tắc đó làm nền tảng cho sự cư xử, gia đình sẽ có được sự đồng thuận, đoàn kết.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có một hiện tượng xảy ra không ít, đó là các ông chồng có "bồ nhí". Và khi đó, họ thường đổ lỗi cho vợ là không còn giữ được tình yêu như trước? Xét về mặt hình thức sự đổ lỗi đó là có căn cứ, vì tình yêu và hôn nhân là hai giai đoạn có nội dung và mức độ khác nhau. Lúc yêu thì họ ít bị ràng buộc bởi các mối quan hệ gia đình, họ có nhiều thời gian để chăm sóc lẫn nhau trên mọi phương diện. Nhưng khi đã bước vào giai đoạn hôn nhân thì ngoài việc chăm sóc cho chồng, người vợ còn phải quan tâm phụng dưỡng bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, giúp đỡ anh chị, em nội ngoại và đặc biệt khi đã có con, người vợ phải dành rất nhiều thời gian để nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái... Do đó, người vợ không thể dành nhiều thời gian chăm sóc chồng như lúc còn yêu. Tuy có bị giảm bớt phần nào tính lãng mạn trong tình yêu, nhưng bù vào đó người chồng đã được hưởng thụ điều vô cùng quý giá đó là sự bình yên, ấm áp, sự hòa thuận của không khí gia đình. Hơn nữa, "bồ nhí" chỉ mang tính nhất thời, còn sự chung thủy, đảm đang của người vợ là sự bền vững trăm năm. Chính vì vậy, những người chồng chân chính không nên có bồ nhí.
Điều cần nói nữa là, mỗi khi có chuyện sinh sự, nhiều ông chồng thường đem chuyện quá khứ của vợ ra chỉ trích, phê phán. Đó là chuyện không nên. Bởi lẽ, khi đã yêu nhau và tiến tới hôn nhân thì điều đó cũng có nghĩa là những lỗi lầm xảy ra trong quá khứ đã được chấp nhận và bỏ qua. Cần phải có thái độ cao thượng của đấng nam nhi, biết khoan dung và độ lượng. Quá khứ là cái đã qua, hiện tại là cuộc sống đích thực. Hãy trân trọng nó từng ngày và thường xuyên nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Đấy chính là mục đích cao cả của cuộc sống.
PHẠM TRUNG THANH