Tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đa dạng, phong phú nhưng có trữ lượng không lớn và phân bố không đồng đều.
Nếu không sử dụng tiết kiệm, thiết thực, hợp lý thì sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Điều này được thể hiện rõ trong hệ thống pháp luật về khoáng sản. Pháp luật về khoáng sản từ trước đến nay đều tập trung vào mục đích nâng cao năng lực quản lý và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản của UBND các cấp. Đặc biệt Luật Khoáng sản năm 2010 đã có những điều khoản quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là UBND cấp xã và người dân nơi có khoáng sản. Cụ thể như sau:
Bảo vệ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác
Thực thi chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa “Nhà nước - người dân - doanh nghiệp”, điều 5 Luật Khoáng sản quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có khoáng sản được khai thác như hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi; kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Mặt khác, luật cũng quy định, nếu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật; ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan… Luật cũng quy định Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước đối với địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.
Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
Điểm mới của luật là đã quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của tổ chức, cá nhân tại điều 17, bao gồm: tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản, cá nhân sử dụng đất cũng như trách nhiệm của các tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp (điều 18), trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ liên quan (điều 19).
Đối với UBND cấp xã, khoản 3, điều 18 Luật Khoáng sản 2010 quy định: UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Có thể nói, việc thực hiện tốt trách nhiệm của UBND cấp xã, phối hợp kịp thời giữa UBND cấp xã với người dân trong phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản cát trái phép có ý nghĩa quan trọng đến hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.
NGUYỄN HỮU LỘC
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường