Đại diện các trường đại học cho rằng sinh viên y khoa có kiến thức phòng chống dịch, sẽ là đội ngũ dự bị cho TP Hồ Chí Minh nếu thiếu hụt nhân viên y tế khi Covid-19 bùng phát.
Ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 6.3, tại cuộc họp về tình hình phòng chống Covid-19, đại diện các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh đã nêu nhiều ý kiến về thời gian cho sinh viên đi học lại.
Ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh nói thành phố cần có những chỉ đạo dứt khoát trong việc cho học sinh đi học trở lại. Cần đưa căn cứ rõ ràng để tính đến những ảnh hưởng của việc cho học sinh nghỉ học dài hạn.
Theo ông Tuấn, sinh viên y khoa có kiến thức trong công tác phòng chống dịch. Đây cũng là đội ngũ dự bị khi TP Hồ Chí Minh thiếu hụt nguồn y bác sĩ khi Covid-19 bùng phát. Ông cho rằng nên để sinh viên y khoa đi học trở lại ngay trong tuần sau. Nếu không có vấn đề phát sinh, đây sẽ là cơ sở để các trường khác đi học trở lại.
Ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết sinh viên y khoa có quyết tâm cao, mong muốn đồng hành cùng nhà nước trong việc phòng chống dịch. Ông mong thành phố xem xét cho sinh viên y khoa được sớm đi học lại cũng như tham gia thực tập.
Ông Xuân đồng ý quan điểm về việc các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nên tiếp nhận sinh viên y khoa vào thực tập để các em trang bị kiến thức cần thiết về công tác phòng chống dịch.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng tán đồng quan điểm cho sinh viên y khoa sớm trở lại trường. Ngoài ra, theo ông Đạt, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh, sinh viên năm 4 cũng có thể trở lại trường sớm hơn.
Ông Đạt đề xuất nếu cần thiết có thể chọn Trung tâm Giáo dục quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh làm nơi cách ly chống dịch. Khu vực này có 3.000 giường, có 2 hệ thống nhà ăn, có khuôn viên riêng biệt.
Còn theo ông Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, việc các trường thống nhất thời gian cho học sinh, sinh viên đi học trở lại sẽ ổn định được tâm lý xã hội. Nghỉ học, học trực tuyến chỉ cung cấp cho các em lý thuyết, không thể bảo đảm thời gian thực hành.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đưa ra về việc nhà trường được chủ động trong việc cho sinh viên đi học trở lại nhưng các trường dường như vẫn đang "thăm chừng" lẫn nhau. Hiện các trường đang thiếu liên kết, thiếu thông tin về dịch bệnh để đưa ra quyết định thời gian mở lại trường.
Thực tế thời gian qua có trường đã thông báo cho học sinh đi học lại, sau đó lại thông báo cho nghỉ vì tiếp nhận chỉ đạo từ UBND thành phố. Điều này vô tình gây phiền hà cho các em từ tỉnh lên thành phố nhập học. Bên cạnh đó, việc sinh viên di chuyển bằng tàu xe sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.
Tại cuộc họp, đại diện các trường đại học khác cũng đưa quan điểm về thời gian đi học lại cần có sự thống nhất để sinh viên và gia đình an tâm; UBND thành phố cần đưa thông tin chỉ đạo sớm để các trường chủ động thông báo đến sinh viên.
Sức khỏe, tính mạng phải đặt lên hàng đầu
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho rằng quyết định thời gian đi học lại không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan mà căn cứ vào diễn biến khách quan của tình hình dịch bệnh.
Với tổng lực lượng khoảng 2,5 triệu học sinh, sinh viên và giáo viên ở tất cả các bậc học cũng như hình thức đào tạo ở TP Hồ Chí Minh khi trở lại trường sẽ là một áp lực rất lớn. Gia đình, thầy cô cũng nóng lòng cho con em đi học nhưng yếu tố an toàn, sức khỏe, sinh mạng phải ưu tiên hàng đầu.
Ông Liêm cho biết trong chiều 6.3 sẽ xin ý kiến Chủ tịch TP Hồ Chí Minh về thời gian trở lại trường đối với khối phổ thông.
Theo Tuổi trẻ