Nông nghiệp - Nông thôn

Tôn vinh hành, tỏi Kinh Môn

TƯỜNG VY 23/01/2024 08:26

Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn năm 2024 quy mô chưa lớn nhưng đã tôn vinh, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững cây hành, tỏi nơi đây.

z5093521139909_cc67ddb4735429f39350520336d9ed26(1).jpg
Hành Kinh Môn củ to, tía, chắc mẩy hơn sản phẩm ở các địa phương khác

Quảng bá rộng rãi cây hành, tỏi

Thành công lớn nhất của lễ hội là đã mang thương hiệu hành, tỏi Kinh Môn vượt ra khỏi phạm vi tỉnh Hải Dương để đông đảo du khách trong và ngoài nước biết tới.

Tham dự lễ hội có sự góp mặt của 150 phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh Hải Dương như: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, VTC16, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Vietnamnet, VNExpress… Riêng Báo Hải Dương, sự kiện này không chỉ tuyên truyền trên các ấn phẩm mà còn phát trực tiếp trên Fanpage của báo. Các phương tiện truyền thông đã góp phần lan tỏa hình ảnh, thương hiệu cây hành, tỏi Kinh Môn.

Lễ hội còn là nơi gặp gỡ giữa doanh nghiệp với nông dân. Đặc biệt, việc ký kết biên bản ghi nhớ và tiêu thụ hành tỏi giữa các hợp tác dịch vụ nông nghiệp với doanh nghiệp thu mua, chế biến... giúp hành, tỏi Kinh Môn được bao tiêu đầu ra, giá cả ổn định.

Ngoài ra, lễ hội đã mở ra nhiều cơ hội để hành, tỏi được chế biến sâu và tiêu thụ qua nhiều kênh như: hệ thống bán lẻ, sàn thương mại điện tử, xuất khẩu đi các thị trường khó tính.

hanh5(1).jpg
Doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ và tiêu thụ hành, tỏi với địa phương. Ảnh: THẾ ANH

Ông Phạm Ngọc Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA đánh giá sản phẩm hành, tỏi Kinh Môn có ưu điểm vượt trội so với các sản phẩm ở những nơi khác, được thị trường đón nhận. “Doanh nghiệp đang ấp ủ dự định sẽ đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ hành, tỏi của Kinh Môn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới”, ông Thức nói.

Tuy nhiên, để làm được điều này, người dân cần hình thành vùng trồng tập trung và sản xuất theo quy trình chuẩn.

Ngay tại lễ hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã giao Cục Trồng trọt xây dựng chuẩn hóa quy trình sản xuất hành tỏi; Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch nghiên cứu mô hình nhà kho bảo quản hành, tỏi cho người dân Kinh Môn. Đây là tiền đề để người dân Kinh Môn hướng tới xây dựng chuỗi giá trị từ khâu giống, quy trình canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến sâu… mang lại giá trị cao hơn cho cây hành, tỏi.

Từ việc lan tỏa và kết nối, lễ hội đã mở ra không gian giá trị lớn cho cây hành, tỏi Kinh Môn.

Tạo hứng khởi cho nông dân

Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn thu hút gần 1.000 người tham gia. Trên khắp ngả đường, từng dòng người từ già trẻ, gái trai kéo về cánh đồng Cầu Yên, xã Hiệp Hòa dự lễ hội.

z5088832587942_5e4a260814e0218a3ad5e78909a2449a(1).jpg
Người dân hào hứng khi tham gia Hội thi thu hoạch hành, tỏi. Ảnh: THẾ ANH

Bà Nguyễn Thị Thiệp, 70 tuổi, ở xã Thượng Quận cũng có mặt tại lễ hội từ sớm. Bà Thiệp phấn khởi: “Cây hành, tỏi đã có ở mảnh đất Kinh Môn hàng trăm năm qua. Người dân Kinh Môn gắn bó với cây hành, tỏi đời này sang đời khác. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lễ hội hành, tỏi được tổ chức. Và ở đó, nông dân chúng tôi là chủ thể chính. Chúng tôi vui lắm".

b651178e-c915-4ad0-b33e-b4f55d169a10-1-.jpeg
Lễ hội thu hoạch hành, tỏi đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người dân Kinh Môn. Ảnh: THẾ ANH

Tham gia Hội thi thu hoạch hành, tỏi, chị Vũ Thị Ngọc ở xã Hiệp Hòa cho biết cũng là thu hoạch nhưng lần này tâm trạng của chị khác hẳn so với ngày thường. “Cảm giác sản phẩm hành, tỏi do chính tay mình làm ra được tôn vinh, rất vinh dự, tự hào”, chị Ngọc nói.

Lễ hội còn khẳng định sự quan tâm của chính quyền địa phương tới sản xuất nông nghiệp. Đây chính là động lực khích lệ người dân hăng hái, khắc phục khó khăn, tạo ra nhiều giá trị trong sản xuất.

Sau lễ hội, người dân Kinh Môn kỳ vọng, nền nông nghiệp của thị xã được tỉnh quan tâm, hỗ trợ; nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến và chế biến sâu tìm đến, không chỉ tiêu thụ mà còn giúp nâng tầm giá trị cho hành, tỏi Kinh Môn.

Kinh Môn hiện có gần 4.000 ha hành, tỏi, sản lượng đạt 100.000 tấn/năm, doanh thu trên 1.500 tỷ đồng/năm. Do được trồng ở vùng thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, người dân có kinh nghiệm, tích cực áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào canh tác nên hành, tỏi Kinh Môn củ to, chắc mẩy, mã đẹp. “Kinh Môn có đủ năng lực cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cho các doanh nghiệp chế biến”, anh Nguyễn Văn Chiến ở xã Hiệp Hòa khẳng định.

Ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết lễ hội hành tỏi cơ bản đã đạt được những mục tiêu ban đầu đề ra. Đây là tiền đề để thị xã rút kinh nghiệm, hằng năm tổ chức lễ hội, biến nó trở thành món ăn tinh thần với mỗi người dân và cũng nhằm quảng bá tốt hơn nữa thương hiệu hành, tỏi. Khi đó, ngoài nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chuỗi giá trị trồng, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến sâu, còn có thể hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm cho du khách. Đây cũng là gợi ý của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đối với nông nghiệp Kinh Môn.

TƯỜNG VY
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôn vinh hành, tỏi Kinh Môn