Tôn tạo không làm méo mó di tích

27/03/2017 08:02

Trải qua thời gian, nhiều di tích đang xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo để bảo vệ. Nhưng việc này phải được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là phải tôn trọng nguyên bản.



Tượng Phật bà Quan âm Bồ tát ngự trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ ở miếu, chùa My Động,
 xã Tiền Phong (Thanh Miện) được xây dựng sai quy định


Bảo tồn vốn cổ

Năm 2011, hỏa hoạn đã thiêu rụi hậu cung của đền Hóa (Chí Linh); năm 2016, đình Ngô Đồng, xã Nam Hưng (Nam Sách) bị sập mái hậu cung... Nhiều di tích khác trong tỉnh cũng đang xuống cấp, hư hại do thời gian, con người tàn phá.

Trước thực trạng đó, tỉnh ta đã dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử. Mùa lễ hội này, tòa Cửu phẩm liên hoa (CPLH) chùa Côn Sơn với quy mô khá đồ sộ, kiến trúc đặc sắc bắt đầu đón khách tham quan. Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: Chùa Côn Sơn khởi dựng từ thế kỷ 10, đến thế kỷ 13 được mở rộng với nhiều hạng mục trong đó có tòa CPLH. Giữa thế kỷ 19, chùa Côn Sơn và tòa CPLH bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai. Thực hiện Quy hoạch tổng thể của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, tỉnh ta đã xây dựng tòa CPLH chùa Côn Sơn với kinh phí trên 75,8 tỷ đồng. Công trình không chỉ khôi phục lại một hạng mục kiến trúc cổ mà còn trở thành điểm nhấn văn hóa tâm linh của tỉnh. Cũng trong năm 2015, toàn tỉnh có 10 di tích được đầu tư kinh phí tu bổ chống xuống cấp với kinh phí 1,5 tỷ đồng.

Từ nguồn công đức, xã hội hóa, hàng trăm di tích cũng đã được tu bổ, tôn tạo. Ông Vũ Xuân Cương, cán bộ văn hóa xã An Châu (TP Hải Dương) cho biết: Đền thờ Trần Xuân Yến ở thôn Tiền, xã An Châu được UBND tỉnh xếp hạng năm 2005. Do công trình xuống cấp nên năm 2016 UBND tỉnh đã cho phép tu bổ, tôn tạo 3 gian tiền bái với kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Trong kỳ lễ hội đầu năm nay, UBND thị xã Chí Linh cũng khởi công trùng tu, tôn tạo nghi môn, nhà dải vũ, bậc lên di tích lịch sử quốc gia đền Cao (An Lạc) trị giá hơn 7 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa...

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.000 di tích, danh thắng, trong đó có 2 khu di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích quốc gia, 207 di tích cấp tỉnh. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm các tổ chức xã hội, nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp từ 10-15 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích.

Siết chặt quản lý

Rất nhiều ngôi chùa cổ khác trên địa bàn TP Hải Dương đã bị các nhà sư trụ trì tự ý phá dỡ xây mới theo kiến trúc hai tầng là kiến trúc chùa miền Nam, khác với kiến trúc phổ biến của các chùa ở đồng bằng Bắc Bộ.


Việc tu bổ, tôn tạo là việc làm cấp thiết để bảo vệ di tích nhưng thực tế triển khai còn tồn tại không ít hạn chế. Trước hết là nguy cơ làm biến dạng, thay đổi hiện trạng, giá trị lịch sử, gây phản ứng trong dư luận. Ngoại trừ một số di tích đặc biệt do đội ngũ có kiến thức về trùng tu đảm trách thì phần lớn việc trùng tu các di tích vẫn do các đơn vị xây dựng dân dụng thực hiện. Thiếu kiến thức về di sản nên không ít di tích đã bị thay đổi sau khi tu bổ.

Theo quy định, việc tu bổ tôn tạo các di tích phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng, sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nếu di tích xếp hạng quốc gia; của UBND tỉnh nếu di tích xếp hạng cấp tỉnh. Tuy nhiên, một số ngôi chùa đã được xếp hạng nhưng các nhà sư trụ trì đã tự ý cho tu bổ, xây mới các hạng mục công trình, thay thế đồ thờ tự mà không có sự cho phép của bất cứ cơ quan nào. Chùa Trăm gian ở xã An Bình (Nam Sách) được công nhận di tích quốc gia năm 1990. Trong quá trình ở đây, nhà sư trụ trì đã sửa chữa một công trình thành ngôi nhà 2 tầng để làm nơi sinh hoạt và đã bị UBND xã yêu cầu tháo dỡ. Đầu năm nay, Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hải Dương đã lập biên bản việc nhà sư trụ trì chùa Bảo Sài, một di tích được xếp hạng quốc gia đã tự ý xây lại tổ đường nhà chùa. Theo ông Bùi Dương Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Hải Dương, không chỉ chùa Bảo Sài, rất nhiều ngôi chùa cổ khác trên địa bàn TP Hải Dương đã bị các nhà sư trụ trì tự ý phá dỡ xây mới theo kiến trúc hai tầng là kiến trúc chùa miền Nam, khác với kiến trúc phổ biến của các chùa ở đồng bằng Bắc Bộ như chùa Đông Thuần, chùa Phong Hanh, chùa Phúc Duyên… Cá biệt như chùa Sượt, một ngôi cổ tự khá nổi tiếng ở TP Hải Dương sau khi tu bổ xuất hiện cả hình tượng 12 con giáp.

Trong quá trình trùng tu, tôn tạo, việc tiếp nhận các hiện vật được hiến tặng không phù hợp cũng gây biến đổi di tích. Đền Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách) thờ lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Điều lạ là ở trung từ và ở hậu cung đều có tượng lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Theo một số cán bộ ngành văn hóa, đây là điều khó chấp nhận ở một di tích được xếp hạng quốc gia. Cũng vậy, tượng Quan âm Bồ tát áo trắng ngoài trời xuất hiện khá phổ biến tại các ngôi chùa, đền kể cả đã hoặc chưa được xếp hạng trong khi đây là một trong những biểu tượng, vật phẩm, linh vật cần phải di dời, tháo dỡ theo chủ trương của ngành văn hóa...

Để tránh những sự việc đáng tiếc như sơn mới Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), quá trình tu bổ, tôn tạo các di tích trong tỉnh cần được tiến hành thận trọng, tôn trọng các giá trị lịch sử. Phải lựa chọn các đơn vị có kiến thức về trùng tu di sản và quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận hiện vật đối với các di tích, bảo đảm quy định của Luật Di sản.

NGUYÊN DÃ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôn tạo không làm méo mó di tích