Thị trường

Toàn bộ điểm bán vàng miếng "bình ổn" dừng nhận khách trực tiếp

TB (theo VnExpress) 20/06/2024 16:36

Tất cả các đơn vị được Ngân hàng Nhà nước ủy thác bán vàng miếng đều chuyển qua phát số online sau ba tuần quá tải vì lượng người xếp hàng mua đông đúc.

SJC sáng nay giải tán khách hàng tụ tập trước trụ sở tại Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM), đồng thời dán thông báo về việc đăng ký mua vàng trực tuyến qua website. Ảnh: Quỳnh Trang
SJC sáng 20/6 giải tán khách hàng tụ tập trước trụ sở tại Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP Hồ Chí Minh), đồng thời dán thông báo về việc đăng ký mua vàng trực tuyến qua website

Ngày 20/6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - đơn vị cuối cùng trong nhóm tham gia bán vàng "bình ổn" - dừng nhận khách đăng ký mua trực tiếp tại chi nhánh, chuyển qua phát số trực tuyến trên website.

Theo đó, khách hàng cần truy cập trang web của SJC, chọn đăng ký mua vàng miếng và nhập đầy đủ thông tin cá nhân (họ tên, căn cước công dân, địa chỉ) và lựa chọn địa điểm, số lượng mong muốn đặt mua.

Hiện, SJC bán tối đa 5 lượng cho mỗi người. Khách hàng đến địa điểm giao dịch theo địa chỉ và thời gian đã xác nhận lịch hẹn để thực hiện giao dịch. Nếu quá giờ hẹn, SJC sẽ hủy lịch hẹn để phục vụ khách hàng khác.

Trong chục ngày qua, 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank cũng đã lần lượt chuyển sang hình thức phát số trực tuyến cho người mua vàng. Bên cạnh đó, sau thời gian đầu thông báo bán không giới hạn cho cá nhân, 4 nhà băng này gần đây cũng phải giới hạn lượng mua tối đa 1 lượng mỗi người.

Việc các đơn vị này chuyển sang hình thức online nhằm giảm tải tình trạng tụ tập xếp hàng dài chờ đợi trước các phòng giao dịch, chi nhánh. Ngoài những người dân có nhu cầu mua vàng miếng trực tiếp, theo cơ quan chức năng, thị trường cũng ghi nhận hiện tượng xếp hàng "mua hộ" vàng. Một số người xếp hàng mua vàng "giá rẻ" từ Ngân hàng Nhà nước, sau đó bán lại cho người khác nhằm hưởng chênh lệch.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh ra thông báo nhắc nhở việc người dân mua bán vàng miếng tại các doanh nghiệp không có giấy phép là trái quy định và sẽ bị phạt. Nghị định 88/2019 nêu phạt cảnh cáo các hành vi mua bán vàng với đơn vị không có giấy phép, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần.

Người dân xếp hàng trước SJC Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM) đầu giờ sáng 20/6. Ảnh: Quỳnh Trang
Người dân xếp hàng trước SJC Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đầu giờ sáng 20/6

Từ đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng ra thị trường, thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 nhà băng quốc doanh và SJC. Theo đó, nhà quản lý ấn định giá bán vàng miếng ra thị trường bằng cách quy định biên độ 1 triệu đồng so với giá các đơn vị này mua từ Ngân hàng Nhà nước.

Giá vàng miếng SJC đứng yên ở mức gần 77 triệu đồng mỗi lượng trong suốt tuần qua, hiện chỉ còn cao hơn chưa tới 2 triệu đồng so với vàng nhẫn trong nước và vênh 5 triệu đồng so với giá thế giới.

Cả nước hiện có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng, không thuộc diện bán vàng "bình ổn" như DOJI, PNJ, Mi Hồng... hiện chỉ mua vào và dừng bán vàng miếng ra thị trường với lý do hết hàng.

TB (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Toàn bộ điểm bán vàng miếng "bình ổn" dừng nhận khách trực tiếp
    ss