Tòa Tối cao Mỹ đã ra quyết định đình chỉ thực thi phán quyết của tòa án ở bang Texas, theo đó cấm mua bán các thiết bị, bộ phận và công cụ để tự lắp ráp thành súng cầm tay.
Ngày 16/10, Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định đình chỉ thực thi phán quyết của tòa án ở bang Texas cho phép hai nhà sản xuất của bang này bán các bộ phận và công cụ có thể sử dụng để tự lắp ráp thành súng cầm tay, hay còn được gọi là “súng ma” - loại súng khó truy tìm nguồn gốc.
Với quyết định này, một lần nữa Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ chính sách của Tổng thống Joe Biden về quản lý loại súng này.
Các thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ không chấp thuận việc thực thi phán quyết mà Thẩm phán Reed O'Connor thuộc Tòa Sơ thẩm liên bang ở Texas đưa ra hôm 14/9.
Phán quyết của ông O'Connor ngăn chặn việc áp dụng một quy định liên bang về kiểm soát súng tự chế đối với hoạt động bán hàng của hai nhà sản xuất Blackhawk Manufacturing và Defense Distributed đều ở bang Texas.
Blackhawk Manufacturing là công ty sản xuất hàng tiêu dùng, thiết bị thể thao và dụng cụ rèn súng và một số thiết bị khác. Defense Distributed là công ty chuyên về thiết kế súng cầm tay.
Quy định liên bang nói trên do Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá và Súng (ATF) của Mỹ đưa ra hồi năm 2022, nhằm ngăn chặn các hoạt động tự chế súng cầm tay.
Quy định này cấm mua bán các thiết bị, bộ phận và công cụ để tự lắp ráp thành súng cầm tay.
Việc mua bán như vậy có thể diễn ra trực tiếp tại cửa hàng hoặc trên trang mạng trực tuyến mà bên bán không kiểm tra lý lịch cá nhân của người mua hoặc không cung cấp số serial được chính phủ cấp phép để truy xuất nguồn gốc của thiết bị. Do đó, quy định đã thắt chặt những lỗ hổng nói trên.
Đây là lần thứ hai thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ ra quyết định đi ngược lại phán quyết của Thẩm phán O'Connor đối với cùng một vụ việc.
Hồi tháng 8, Thẩm phán O'Connor ra phán quyết ngăn chặn thực thi quy định liên bang nói trên.
Ông O'Connor lập luận rằng quy định liên bang nói trên vượt quá thẩm quyền của luật kiểm soát súng đạn của Mỹ, do đó không được áp dụng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, thẩm phán của Tòa án Tối cao đã tạm đình chỉ phán quyết này, đồng thời khôi phục việc thi hành quy định.
Theo số liệu của Nhà Trắng, số lượng “súng ma” mà các cơ quan thực thi pháp luật giao lại cho ATF để truy tìm nguồn gốc đã tăng lên khoảng 20.000 khẩu, tăng gấp 10 lần so với năm 2016.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ra sắc lệnh về tăng cường ngăn chặn tình trạng sử dụng “súng ma,” loại súng được tự lắp ráp, không đăng ký, khiến cơ quan chức năng không thể quản lý.
Tuy nhiên, các tổ chức vận động chính sách và nhiều công ty sản xuất hoặc phân phối súng ở Mỹ đang tìm cách kiện ra tòa để ngăn cản quy định trên.
Theo Vietnam+