Công tố viên Karim Khan của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) xác nhận cơ quan này lập tức mở cuộc điều tra về tình hình chiến sự ở Ukraine theo yêu cầu của một số lượng lớn nước thành viên.
"Tôi đã thông báo cho Chủ tịch ICC một vài phút trước về quyết định ngay lập tức tiến hành các cuộc điều tra tích cực về tình hình (ở Ukraine)", Hãng tin AFP dẫn lời ông Karim Khan ngày 2.3.
Theo công tố viên của ICC, việc thu thập bằng chứng đã bắt đầu. Theo đó, văn phòng của ông sẽ bắt đầu thu thập bằng chứng về "bất kỳ cáo buộc nào trong quá khứ và hiện tại".
Ông Khan cho biết 39 nước thành viên ICC đã ủng hộ việc mở cuộc điều tra này. Số yêu cầu này giúp ICC mở cuộc điều tra nhanh mà không cần thông qua quy trình có thể kéo dài nhiều tháng để tòa án ở The Hague chấp thuận.
Cuộc điều tra được mở sau khi Nga triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine từ ngày 24.2. Giao tranh đang diễn ra ác liệt tại nhiều thành phố của Ukraine với một số thông tin có nhiều dân thường thiệt mạng dù Nga khẳng định không nhắm vào dân thường Ukraine.
Nga không phải là thành viên của ICC. Vào ngày 16.11.2016, Nga đã tuyên bố sẽ rút khỏi cơ quan này theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Giải thích về hành động này, Bộ Ngoại giao Nga cho biết ICC "không đáp ứng được kỳ vọng trở thành một tòa án quốc tế thực sự độc lập, có thẩm quyền". Theo bộ này, ICC "thiếu hiệu quả" khi chỉ ra được 4 phán quyết trong 14 năm tồn tại và tiêu tốn hơn 1 tỷ USD.
Thực tế những năm gần đây, ICC bị cáo buộc là thiếu năng lực, không công minh và trở thành một công cụ chính trị của các cường quốc. Những ý kiến chỉ trích dẫn chứng tòa chỉ xử được một số vụ liên quan các quốc gia ở châu Phi.
ICC ra mắt vào ngày 1.7.2002 là ngày hiệp ước thành lập, Quy chế Roma về ICC có hiệu lực và tòa chỉ có thể truy tố tội phạm từ thời điểm này. Trụ sở chính thức của tòa án là ở Den Haag, Hà Lan, nhưng các tố tụng hình sự của tòa có thể diễn ra bất cứ nơi nào.
Tính đến tháng 6.2011, có 114 quốc gia là thành viên của tòa án, bao gồm tất cả quốc gia của Nam Mỹ, gần như tất cả châu Âu và gần một nửa các nước ở châu Phi. Ukraine không ký kết Quy chế Roma.
Theo Tuổi trẻ