Người đàn bà đã bối rối khi nhìn thấy dậu cúc tần có dây tơ hồng chằng chịt ấy. Tơ hồng bám dậu ở vùng này không thiếu nhưng cái dậu cúc tần mọc lan to như những đống rơm mà lá vẫn không thể vươn qua khỏi đám lưới tơ hồng dầy di dầy dít kia thì chỉ ở ngõ này mới có.
Người đàn bà đã bối rối khi nhìn thấy dậu cúc tần có dây tơ hồng chằng chịt ấy. Tơ hồng bám dậu ở vùng này không thiếu nhưng cái dậu cúc tần mọc lan to như những đống rơm mà lá vẫn không thể vươn qua khỏi đám lưới tơ hồng dầy di dầy dít kia thì chỉ ở ngõ này mới có. Sau dậu tơ hồng sẽ là cái cổng gỗ sơn màu gụ, trước cổng có giàn gấc. Dù mới tới có một lần vào lúc sâm sẩm tối nhưng người này vẫn không thể quên.
Bước chân người đàn bà đã khựng hẳn, như bị đám tơ hồng quấn chặt. Mắt, má đã hơi tai tái, thị muốn đánh tiếng để người đàn ông đi phía trước nghe được nhưng cổ họng có cục gì đang ngáng lại, cứ ậm è.
Người đàn ông đi phía trước không nghe thấy, hắn bị nặng tai, bàn chân chấm phẩy bước thấp bước cao đã chạm tới cánh cổng gỗ. Không nghe thấy nhưng có vẻ hắn cảm thấy cái bóng theo sau mình đã lùi lại phía sau. Mồ hôi đã toát ra từng giọt, người đàn bà vơ vạt áo lau lấy lau để, chân vẫn như đóng đinh giữa dậu cúc tần có dây tơ hồng. Người đàn ông vội vã cầm lấy bàn tay thị. Bước chân hai người va vào nhau, va vào dậu cúc tần, mùi thơm ngai ngái bay lên.
Không cần đợi vào tới trong nhà, khi hai người vừa bước dăm bước tới sân giếng, người đàn bà đã trông thấy bà cụ, người đang đứng rửa rau ở giếng, vẫn cái áo màu nâu có thêu hoa ở cổ, cái quần lụa sa tanh đen nhánh như tóc con gái.
Bà cụ quay ra. Hắn buông tay. Bà cụ nhìn vào mặt thị. Nhìn vào mặt người con trai tật nguyền của mình vừa đi chợ xa về quần áo còn vương đầy bụi đường. Thị muốn cúi xuống nữa, cúi thật sâu, làm sao cho bà cụ đừng nhận ra thị. Thị thấy hối hận đã theo hắn bước chân vào đây. Nếu bà cụ nhận ra thị, cuộc gặp gỡ chắc sẽ kết thúc nhanh, hơn cả cuộc gặp gỡ lần trước.
- Cô ấy làm nghề bán cua cá ở chợ Phí.
- À, tôi nhận ra cô rồi.
Bà cụ chỉ nói vậy. Rồi bỏ đi vào trong nhà. Thị nghe mà rợn tóc gáy.
Nét mặt người đàn ông ngược lại, tươi tỉnh.
- Thế ra mẹ cũng biết em đấy, ngày trước, chân khỏe, mẹ cũng hay đi chợ Phí.
Thực ra lúc ấy, người đàn bà nghĩ bụng, bà cụ đã nói trắng là nhận ra mình thì mình có nên mặt dày mà ở lại đây thêm phút giây nào nữa không?
Người đàn ông cứ cầm tay thị dắt vào trong nhà. Thị đành liều, nhắm mắt đưa chân qua cái bậc cửa gỗ lim cũ kỹ kia lần nữa.
Nhà vẫn không có gì thay đổi. Ban thờ ở gian giữa và bộ tràng kỷ ngồi uống nước, hai bên là hai chiếc giường đôi, tủ quần áo và hòm thóc. Một chậu cây tài lộc ở góc nhà, cành lá bám đầy bụi và mạng nhện.
- Mời cô ngồi chơi với thằng Cõm, để tôi xuống bếp nấu cơm - bà cụ chỉ tay vào tràng kỷ mời khách.
Thị vẫn cúi mặt xuống.
Chẳng có chuyện gì mà nói, người đàn ông cởi áo ngoài trước mặt thị, chỉ còn độc cái áo ba lỗ, lỗ chỗ thủng, đi ra vườn hái thêm nắm rau, còn giục thị xuống bếp nấu cơm với mẹ hắn.
Bà cụ đi mổ cá. Người đàn bà ngập ngừng sau lưng.
- Cô không ngờ lại lần nữa vào cổng nhà tôi đúng không?
Không có câu trả lời. Hay người đàn bà nói lí nhí mà bà cụ không nghe thấy. Đã gần bảy mươi rồi, tai bà cụ cũng nặng như tai thằng Cõm con bà.
Cái thằng Cõm con bà, sau khi bị con vợ mới cưới chê, bỏ đi, hơn hai năm nó như kẻ thất tình, suốt ngày lang thang. Chẳng hiểu từ bao giờ, nó học mót nghề cắt tóc của ông Bao tiệm ngoài cây đa đầu làng. Có bao nhiêu tiền dành dụm, nó đem mua đồ nghề, đi xin công cắt tóc cho bọn trẻ trâu để luyện tay kéo. Khi đã thành thục, Cõm xách đồ nghề cắt tóc tới tận chợ Hồi hành nghề, nó bảo phải đi xa kẻo làm mất khách của ông Bao. Nó "đóng đô" ở đó rồi thân với cô bán cá. Hôm trước nó hẹn bà sẽ dẫn cô bán cá về ra mắt, bà coi, rồi cho nó cưới cô ấy. Giờ thì cô ta đang đứng sau lưng bà. Và dù mắt có kém thì bà cũng đã nhận ra người đàn bà này.
Còn cô ta không trả lời hay trả lời mà bà không nghe thấy?
- Cô không ngờ lại lần nữa vào cổng nhà tôi đúng không? Tôi bị điếc đấy cô có nói thì nói to vào.
- Cháu…
- Cô không bán rau mà chuyển qua bán cá từ hồi nào vậy?
- Dạ, cũng được bốn tháng rồi.
- Chừng thời gian đó, thằng Công lấy vợ trên phố, vợ nó cũng đang có thai.
Lửa cháy bập bùng. Nồi cơm sôi sình sịch trên bếp. Cả nồi riêu cá cũng sôi. Người đàn bà lấy tay quệt những giọt nước đang rơi trên má. Chẳng biết là mồ hôi hay nước mắt. Vài giọt rớt lên khóe miệng thị, thấy có vị chan chát mằn mặn. Cái bụng thị bỗng cồn cào. Mỗi khi có mùi riêu cá, nó vẫn cuộn lên, thèm dữ dội, thị nghén cái mùi tanh tanh hoi hoi này. Không kìm được, thị với cái muôi múc một muôi nước riêu, chẳng đợi nguội, cứ thế đưa lên miệng mà ực, vị chua mát như đang chảy vào từng ngóc ngách thân thể. Cơm om vung, canh dậy mùi. Ngoài sân, người đàn ông đang múc nước tắm. Bà cụ đang lom khom hái mấy quả ớt để ăn với riêu cá. Lần đầu tiên đặt chân vào mảnh sân này, người đàn bà cũng nhìn thấy bà cụ đang hái ớt. Công bảo với mẹ, người yêu con đấy. Thị đỏ mặt. Bà cụ không tỏ thái độ gì, chỉ nhìn thị chăm chú. Bữa cơm chỉ có ba người, Công lại bảo còn anh trai nhưng trưa nay không về, chắc đang đi lang thang cắt tóc cho bọn trẻ chăn trâu ở dọc bờ sông. Công múc một bát riêu cá để dành cho ông anh tối về ăn sau. Vì thế mà thị không biết họ cùng huyết thống, giờ còn theo chân người anh trai Công, chính là Cõm về ra mắt lần hai ở cái nhà này, chỉ cách lần trước bốn tháng.
Lần trước, sau khi ăn bữa cơm riêu cá, Công đưa thị về, vừa đi tới chợ thì mưa dông ập đến, hai người rẽ vào chợ trú mưa. Trời chiều cứ mưa tầm tã, mấy căn mái chợ xiêu vẹo, phất phơ như tàu lá chuối khô trước mưa gió. Công vuốt nước mưa đang chảy trên gò má gày gò của thị bảo, mẹ không nói gì là đồng ý đấy, mình sẽ là của nhau. Rồi mưa, rồi gió, rồi những lời đường mật, những cái vuốt ve, rồi thì của nhau, tất cả, không giữ nữa.
Công đến hàng rau tìm thị để vay tạm ít tiền tính chuyện làm ăn, nhưng không nói làm ăn gì. Thị vét hết vốn còn chín trăm đưa hết cho Công. Công đi làm ăn ở đâu cả tuần không thấy đến nữa. Thị thấy nhớ cái mùi hoi hoi tanh tanh giữa chợ mưa hôm nào, bụng cứ cồn cào, nhộn nhạo. Đi ngang chợ, thị ngồi ăn quà không biết chán. Qua hàng cá, ngửi mùi cá tanh tanh, hoi hoi như gặp mùi của Công, bụng thị dịu lại. Lân la ở đó, người bán cá bảo trông hộ để vào ao lấy hàng. Người mua hỏi bán, chị bán, năm phút hết thau tép, thau tôm. Lúc người bán cá ra thấy thị đã bán hết sạch thì rủ thị bỏ mấy mớ rau héo về đây bán cá chung với chị ấy, có bẩn thỉu nhưng lãi hơn, thị đồng ý.
Bán cá kiếm tiền khá hơn, thị lại càng có điều kiện ăn quà, ăn như luôn luôn bị bỏ đói. Nếu những buổi đi chợ trước ăn quà là để chống đói thì nay ăn quà để chống chọi với cơn thèm đang dâng từ dưới dạ con lên tới tận cổ.
Thị vẫn thèm ăn quà giữa chợ. Cái bụng ngày một cưng cứng, chướng như phải bả, rất khó chịu. Nghe bọn mới lớn thì thụt kháo nhau cách tự kiểm tra để biết xem có bị “dính” không, thị mua một que thử thai, nói mua hộ chị dâu. Hai vạch đỏ chót. Thế là dính rồi. Tờ hướng dẫn nói vậy.
Thị dò tin tức, rồi lân la hỏi thăm mấy thằng bán tăm bông, hát dạo, chúng cho địa chỉ, thị tìm đến gặp Công. Đó là một quán nước, bên trong có buồng, Công và bọn bạn đang chơi bài ở đó.
Thị kéo Công ra vườn để thông báo đã "dính", hai vạch đỏ. “Cô ngủ với thằng nào rồi mà đổ vạ cho tôi?”, Công nhả những lời như rắn phun nọc độc.
Thị chết điếng.
Công mất dạng.
Ốm dầm dề một tuần. Thị xanh mướt. Mẹ thị mắt sắp lòa bảo ốm ít thôi, đến nghén cũng thế là cùng, đang mùa gạn ao, dậy đi mà bán cá đặng còn sống tiếp.
Thị lại ra chợ, ngửi mùi cá tôm tanh lợm thấy khỏe ra, ăn liền bát bún cá và ba quả trứng vịt lộn, rồi xắn quần, đánh vảy, mổ cá cho khách. Bán hết thuyền cá, lại gọi thêm mấy cái ngô luộc, đang ăn thì thấy Cõm đứng dựa gốc trứng cá, nuốt nước bọt. Có lẽ hắn đang đói, thị hỏi han vài câu rồi mời hắn cái ngô, hắn không từ chối.
Hôm sau, hắn lại đến, hắn treo tấm gương lên bức tường cũ, đang loay hoay kê cái ghế. Thị, tay còn dính đầy vẩy cá chạy lại: “Đây là tường khu vệ sinh, định dựng quán cắt… gì ở đây?”. Hắn không hiểu, mấy bà bán ốc cười: “Nó điếc đấy, nói to lên, là quán cắt lông hả?”. Thị ngượng nhưng vẫn hỏi lại câu hỏi. Hắn đã nghe rõ, vội lê cái chân thọt dỡ vội tấm gương xuống. Thị kéo mấy cái thau gọn vào một bên, vẫy hắn: “Cho mượn tạm gốc trứng cá hôm nay đấy! Có khách nhớ giả công tôi!”. Hắn cảm ơn rối rít.
Khách đầu tiên của hắn là người đàn ông bán ếch, lươn rồi mấy thằng bán dạo. Hắn lấy rẻ nhưng cũng đủ tiền mua đãi thị hai quả trứng vịt lộn. Cứ thế, hắn "đóng đô" ở gốc trứng cá. Thị và hắn thành thân nhau. Đang cắt tóc, hắn cũng nhìn trộm thị. Đắt hàng, thị vẫn cứ liếc vội hắn.
Một phiên, hắn đến chợ sớm, thị cũng đã đến như hẹn trước. Hắn lại xách nước giúp thị đổ vào thuyền, bỗng cái chân chấm phẩy chẳng may mất đà, đẩy hắn ngã nhào xuống mương, thị lao xuống lôi hắn lên bờ, nước mương ôm lấy hai người. Đám bạn hàng trêu, đẹp đôi đấy, cưới nhau đi! Cả hai đỏ bừng mặt, rời tay nhau ra. Thị đi mua cho hắn cái quần đùi, áo cộc để hắn thay, còn thị lỉnh về nhà. Lúc tắm, thị cởi tấm vải quấn quanh bụng ra, mấy lần vằn đỏ hằn lên bụng thị. Thị khóc một chặp. Khóc xong lại lấy miếng vải khác quấn vào bụng, ra chợ bán cá tiếp.
Tan chợ, hắn mời thị ăn bún cá. Ăn xong thì sắp sang chiều. Thị giúp hắn dỡ đồ nghề để về thì hắn quay lưng lại phía thị, nói rõ to: “Thỏa về nhà tôi chơi, để tôi thưa chuyện với mẹ!”.
Trên đường về, hai người ngồi nghỉ ở triền đê nghe trộm bọn trẻ trâu nói chuyện. “Tao yêu cái Nõn, bố tao không cho cưới sớm, tao bảo chúng con ngủ với nhau ngoài đê có chửa rồi, thế là bố tao phải đồng ý, tháng nữa cưới!”. Thị nghe được, tê điếng người, còn hắn thì tủm tỉm cười.
Bữa ăn khá lặng lẽ. Thị rón rén nhai, dù hai mẹ con người kia đều nặng tai. Thỉnh thoảng thấy hắn chỉ cười tủm. Bà cụ liếc nhìn, rồi im lặng.
Trăng lên, thị bê mâm bát ra giếng rửa. Bên bộ tràng kỷ, chỉ còn hắn với bà mẹ, gió từ sông thổi vào vườn xào xạc, nhưng cũng không át được tiếng nói vọng ra từ trong nhà.
- Đã nói, mẹ dứt khoát không đồng ý, anh tìm đám khác đi!
- Không còn ai chịu theo con nữa đâu, mà chúng con... yêu nhau, đã ngủ với nhau… có… chửa rồi!
Thị không tin ở tai mình, gió đang lùa đến, nhưng chỉ ào ạt bên ngoài, tai thị vẫn thính lắm, nghe rõ mồn một lời tuyên bố của hắn, thị ngửa cổ lên nhìn trăng, thấy trăng sóng sánh đang trôi. Rồi mắt thị nhòa đi...
Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG