Đời sống văn hóa

Tò he rời làng

PHONG TUYẾT 29/09/2023 09:07

Người làng Vàng (Hải Dương) miệt mài lên thành phố nặn tò he với mong muốn mang những con tò he đi xa hơn khỏi ngôi làng nhỏ và đến gần hơn với du khách thập phương.

W_tohe7.jpg
Nhiều cháu nhỏ ở TP Chí Linh háo hức xem ông Phạm Văn Năm dạy nặn tò he

Vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Trung thu là nhiều người ở làng Vàng, nay là thôn Hoàng Dương, xã An Lâm, huyện Nam Sách (Hải Dương) lại tất bật đi lên thành phố để nặn tò he.

Lên thành phố dạy nặn tò he

Đúng 5 giờ chiều, xe đến đón ông Phạm Văn Năm (sinh năm 1960) từ thôn Hoàng Dương đi TP Chí Linh nặn tò he. Ông Năm chuẩn bị tinh tươm từ rất sớm. 250 con tò he đã nặn, hấp chín xong được xếp gọn vào thùng carton cho lên xe, cùng với một ít bột màu để lát nữa ông Năm dạy nặn tò he. Sau gần 40 phút di chuyển thì tới nơi tổ chức chương trình ở sân gôn Chí Linh. Ông Năm cùng mọi người bày tò he lên mâm cỗ Trung thu và chuẩn bị vào chương trình.

W_w_tohe13.jpg
Ông Năm chuẩn bị 250 con tò he nặn sẵn ở nhà để mang đi

Đã hơn 50 năm làm tò he nhưng ông Năm mới bắt đầu lên phố dạy nặn tò he từ năm ngoái. Năm nay, từ vài tuần trước ngày Tết Trung thu, ông đã được mời đi dạy ở nhiều trường mầm non ở TP Hải Dương, phố đi bộ Bạch Đằng.

Như những chuyến đi trước, ông Năm cùng gia đình nặn sẵn hàng trăm con tò he theo đặt hàng của khách và mang theo nguyên liệu để trực tiếp cho mọi người trải nghiệm, học nặn tò he. Đến nhà ông Năm dịp này, tiếng hàng xóm giã gạo, đến nhà nhau nặn tò he rất vui. Trong làng có người không có thời gian giã gạo thì thuê nhà khác giã, có một cối giã gạo cả xóm thay phiên nhau dùng.

W_tohe2.jpg
Gần 21 giờ, dù trời mưa nhưng người dân thôn Hoàng Dương vẫn chăng bạt giã gạo, cùng nhau ôn lại kỷ niệm những ngày lên huyện bán tò he dịp Trung thu

Chương trình chuẩn bị diễn ra thì mưa lớn, ông Năm vội vàng thu dọn đồ đạc trú mưa. Trời vừa tạnh, các cháu nhỏ đã vây quanh ông Năm với đôi mắt háo hức mong chờ. Ông Năm nặn thoăn thoắt cũng không kịp để phát cho các cháu.

Một cô bé chạy ra hỏi ông Năm: "Ông ơi, nghề nặn tò he có từ bao giờ, nguồn gốc ở đâu ạ? Có phải ở Nam Sách không ông?". Ông Năm trả lời cô bé mà lòng vui lắm, về đến nhà vẫn tấm tắc khen.

W_tohe3.jpg
Không chỉ các bạn nhỏ mà các phụ huynh, người trẻ cũng thích thú trải nghiệm học nặn tò he dịp Tết Trung thu

Các cháu vẫn đứng vòng trong, vòng ngoài bên ông giáo già đang dạy nặn tò he, tay viên viên cục bột màu dù không đẹp nhưng lại rất độc đáo. Dưới sự hướng dẫn của ông Năm, cuối cùng ai cũng có những sản phẩm của riêng mình.

Chương trình kết thúc, ông Năm về nhà lúc gần 21 giờ. Hàng xóm vẫn đang chăng bạt che mưa để giã gạo, cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời lên huyện bán tò he mỗi dịp Tết Trung thu.

Nghề xưa đang hồi phục

Cũng tất bật nặn tò he để đi lên Bảo tàng tỉnh Hải Dương và một số trường mầm non ở Hải Dương, bà Nguyễn Thị Nhi (sinh năm 1970) phấn khởi vì nghề xưa đang có nguy cơ mai một nay lại có dấu hiệu hồi phục. Nhiều người dân rất thích thú chiêm ngưỡng những con tò he bé nhỏ.

W_w_tohe12-1-.jpg
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhi tất bật nặn tò he

Tới đây, bà Nhi sẽ đi nặn tò he 2 ngày liền ở Festival Chí Linh. Với bà Nhi, đây là một cơ hội tốt, một sự kiện lớn mà bà có thể mang tò he đi xa hơn khỏi làng Vàng, mang sản phẩm đến gần hơn với người dân, du khách ở những nơi khác.

Với hành trang là chiếc xe điện cũ cùng thùng carton, bộ micro, bà Nhi không ngại dậy từ 4-5 giờ sáng để chuẩn bị đi thành phố dạy nặn tò he. Bà thấy vui vì sản phẩm truyền thống được mọi người đón nhận.

W_tohe8(2).jpg
Tò he nặn xong, bà Nhi mang đi hấp luôn. Tò he sau khi hấp có thể để được cả năm, còn chưa hấp chỉ để được vài ngày

“Trong làng còn khoảng chục hộ giữ nghề làm tò he. Những ngày này, nhà tôi nặn tò hè cả ngày, hết hấp bột rồi lại hấp tò he, sáng dậy sớm đi dạy các cháu ở thành phố trải nghiệm. Ai cũng thấm mệt nhưng lại rất vui mỗi khi dịp Tết Trung thu đến”, bà Nhi phấn khởi chia sẻ.

Không giống như việc ở nhà nặn tò he, bà Nhi cho rằng đi dạy nặn tò he phải có sự tự tin, năng khiếu truyền đạt từ giọng nói đến dẫn dắt chương trình, giảng cho người nghe hiểu cả về lịch sử, nguồn gốc, nét đẹp của nghề nặn tò he làng Vàng.

“Hôm nay, bà từ thôn Hoàng Dương, xã An Lâm, huyện Nam Sách sang đây cho các con trải nghiệm làm tò he. Trước tiên, bà xin giới thiệu về truyền thống nghề làm tò he...”, bà Nhi bắt đầu giới thiệu rồi vừa thuyết trình, vừa nặn tò he.

W_tohe11(1).jpg
Dù hàng chục năm gắn bó với nghề tò he nhưng những người làm tò he làng Vàng đến nay mới bắt đầu đi dạy ở các thành phố

Với các cháu mầm non hay quấy khóc, bà Nhi cũng vui vẻ dỗ dành để cháu ngoan và tiếp tục trải nghiệm. Khi ngồi nặn tò he, người nặn không được bật quạt, điều hoà vì bột dễ khô thì không thể nặn được.

Giữa cái nắng hanh hao mùa thu, những giọt mồ hôi rơi trên bộ áo dài cách tân bà Nhi mặc để thêm phần trang trọng mỗi khi đi dạy. Suốt mấy tiếng đồng hành cùng các cháu nặn tò he, giọng bà vẫn dõng dạc, nụ cười luôn nở trên môi.

W_w_tohe9-1-.jpg
Bà Nhi chuẩn bị thiết bị thật tốt cho buổi dạy nặn tò he ở Festival Chí Linh tới đây

Mỗi buổi dạy như vậy, ông Năm, bà Nhi được trả công khoảng 500.000-1.000.000 đồng và tiền bán tò he khoảng 10.000-20.000 đồng/con. Ông bà bảo đây là khoản tiền khá lớn, công cao hơn nhiều so với đi cấy, đi cày nhưng vui hơn cả là được góp phần bảo tồn, phát huy và mang tiếng tăm nghề làm tò he làng Vàng ngày càng vang xa.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Tò he rời làng